Saturday, February 2, 2013

Vượt qua nỗi sợ nói tiếng Anh


(ĐHVH) - Xã hội ngày càng phát triển, con người càng có nhu cầu giao tiếp rộng rãi hơn, vươn ra thế giới để học hỏi, mở mang kiến thức và tầm nhìn. Ở nước ta, trong xu thế hội nhập hiện nay, hơn bao giờ hết, tiếng Anh được coi là một trong những phương tiện hữu ích phục vụ cho việc giao tiếp, trao đổi kinh tế, văn hóa với các nước bè bạn năm châu. Việc quyết định của Bộ giáo dục đưa ngoại ngữ tiếng Anh là một trong những môn thi bắt buộc trong các kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông từ nhiều năm nay đã ít nhiều công nhận vai trò của nó và điều này đã khiến việc dạy và học tiếng Anh trở nên phổ biến ở mọi lúc mọi nơi.

Chúng ta đều biết, việc học một ngôn ngữ luôn bao gồm sự phối hợp của nhiều kĩ năng khác nhau: nói, nghe, đọc viết …. Trong đó kĩ năng nói được coi là tổng hợp nhất nên khó nhất, điều mà ngày nay hầu hết các giáo trình tiếng Anh hiện đại đều rất chú trọng và luôn lấy việc dạy khẩu ngữ đi đầu. Tuy nhiên, một thực tế mà ai cũng dễ thấy là phần lớn người nước ngoài học tiếng Anh trong đó có người Việt Nam chúng ta đều rất sợ nói, sợ thi vấn đáp và sợ giao tiếp trực tiếp bằng tiếng Anh. Thậm chí nhiều người đã học tiếng Anh đến cấp độ nâng cao cũng không tránh khỏi những khó khăn khi nói, giao tiếp bằng tiếng Anh ở một số tình huống trong cuộc sống. Vậy nỗi sợ này đến từ đâu và tại sao nó lại phổ biến như vậy trong số những người nước ngoài nói tiếng Anh.

1. Những nguyên nhân khiến người học sợ nói tiếng Anh.

Lí do đầu tiên được nhiều nhà nghiên cứu nói đến là cách thức mà người học được tiếp cận với tiếng Anh chưa thực sự hiệu quả. Thực vậy, khi các học sinh bắt đầu làm quen với tiếng Anh ở trường phổ thông, theo cách dạy học truyền thống thì môn tiếng Anh thường được đánh đồng với các môn học khác như Toán học, Vật lí, Hóa học… với những công thức, tính toán rồi cho ra đáp án chính xác mà hễ có dù một lỗi nhỏ là sẽ cho ngay kết quả không đúng, giáo viên lập tức cho điểm kém, điều mà bất cứ học sinh nào cũng sợ bởi ảnh hưởng ngay đến điểm tổng kết. Cách dạy và học đó phần nào khiến người học có suy nghĩ bị động, và có quan niệm sai lầm về học tiếng Anh là học vẹt cấu trúc ngữ pháp nhằm có điểm cao trong những bài kiểm tra. Theo Robby, dạy tiếng Anh là một vấn đề hoàn toàn khác, Ông nói:“I think it would be very appropriate to compare English learning with music”.( by Robby on November 13, 2010) “Tôi nghĩ thật hợp lí đem so sánh việc học Tiếng Anh với âm nhạc”. Việc nói tiếng Anh thuần thục được phát triển khi ta được học cách sử dụng chúng trong những cuộc đối thoại sống động một cách tự nhiên. Có chăng thì ta có thể xếp ngoại ngữ cùng loại môn học như Mỹ thuật hay Âm nhạc bởi người học có thể ứng biến và thể hiện mình bằng những cách độc đáo còn hơn là nhồi nhiều thứ vào đầu học sinh rồi bắt họ tái tạo rập khuôn những thứ đó. Nhưng cũng thật khó thay đổi bởi với học sinh phổ thông, một khi còn ngồi ghế nhà trường thì nếu chúng nói điều gì không đúng 100% những gì được dạy, chúng sẽ bị nhận điểm kém khiến chúng rất sợ nói tiếng Anh.

Lí do thứ hai là trong các kì thi tốt nghiệp hay tuyển sinh vào một số trường đại học ở nước ta, môn ngoại ngữ Anh văn được thi hoàn toàn dưới hình thức viết hay trắc nghiệm nên các giáo viên luyện thi cho các học sinh cũng chỉ tập trung vào kĩ năng đọc, viết mà hầu như bỏ qua việc luyện kĩ năng nói. Kết quả là khi vào đại học, tuy hầu hết các sinh viên đều đã được học tiếng Anh ở phổ thông , ít là 3 năm và có nhiều sinh viên đã học tiếng anh tới 12 năm ( theo khảo sát của các giáo viên bộ môn Anh văn trường Đại học Văn hóa vào đầu mỗi năm học) nhưng buổi đầu tiên vào lớp đại học, rất nhiều sinh viên (có cả những em thi đỗ đại học với điểm môn tiếng Anh khá cao) cũng không biết đáp lại câu chào bằng tiếng Anh của giảng viên, thậm chí nhiều em không những không hiểu được cả những khẩu lệnh thông thường, đơn giản nhất của giảng viên mà khi thấy một vài bạn làm được thì lại cười như một sự lạ. Rõ ràng một khi không được luyện nói tiếng Anh thì người học không có được những kiến thức cũng như phản xạ cần thiết dẫn đến việc sợ nói.

Sự khác nhau giữa hệ thống ngữ âm của tiếng Anh với tiếng mẹ đẻ của người học (mà với chúng ta là tiếng Việt) cũng gây trở ngại lớn cho người học nói tiếng Anh. Rõ ràng là người Việt Nam thật khó làm quen với những âm trong tiếng anh như: /θ/, /ð/, /dʒ/… Không phải bất cứ người Việt nào nói được tiếng Anh cũng phát âm đúng những từ tiếng Anh đơn giản như: “mother”, “thanks”, “orange”…

Trong khi mỗi từ trong tiếng Việt đa phần chỉ gồm một âm tiết thì số lượng âm tiết của mỗi từ trong tiếng Anh lại rất đa dạng và người nói phải nhớ trọng âm của những từ đa âm tiết bởi khi nói một từ sai trọng âm, người nghe có thể không hiểu hoặc hiểu sai sang từ khác. Điều này cũng gây ra nỗi sợ không kém cho người học nói tiếng Anh.

Một lí do nữa không thể không nói đến, đó là người nói không tự tin, xấu hổ và mất bình tĩnh mỗi khi phải nói bằng tiếng Anh với bất kể đối tượng giao tiếp là ai bởi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, họ không được sử dụng, nói hàng ngày. Trong các giờ tiếng Anh của một số lớp ở trường Đại học Văn hóa Hà Nội, đa số các em rất sợ mỗi khi bị giáo viên yêu cầu nói tiếng Anh. Nguyên nhân chỉ bởi không có phản xạ nói tự nhiên nên các em thấy rất khó khăn. Một số khác rất muốn nói nhưng lại sợ mắc lỗi do không tự tin vào kiến thức của bản thân và các em sợ mọi người nhìn thấy thiếu sót của mình. Còn không ít em lại gặp phải những vấn về về phát âm, chất giọng (có em còn nói ngọng do ảnh hưởng ngôn ngữ địa phương) nên sợ khi nói ra các bạn cười chế nhạo. Điều đó nói lên rằng thái độ của những người xung quanh cũng là một khía cạnh nữa khiến người học ngại nói tiếng Anh. Qủa là một nỗi ám ảnh đối với người học nói tiếng Anh khi những người xung quanh chẳng những không khuyến khích cổ vũ người nói mà lại cứ tập trung soi mói vào những lỗi hay yếu điểm của người nói rồi cười chế nhạo.

Qua khảo sát của đồng tác giả Hyesook Park và Adamr.Lee tại hai trường: Đại học quốc gia Kusan – Hàn Quốc và Đại học tổng hợp Concordia – Canada, những kết quả phân tích cho thấy đã có những ảnh hưởng đáng kể của việc sợ hãi hay tự tin đến người nước ngoài khi học nói tiếng Anh. “ The higher anxious the students were about speaking English, the lower scores they gained on the oral performance. The higher confident they were, the higher oral performance they showed” – (L2 Learners’ Enxiety, Self – Confidence and oral performance)

Sinh viên càng sợ nói thì kết quả thi nói tiếng Anh lại càng thấp và ngược lại, càng tự tin thì họ lại càng nói tốt hơn.

Phần lớn người nước ngoài nói tiếng Anh phải thừa nhận rằng sợ mắc lỗi khi nói tiếng Anh là một trong những yếu tố rào cản, hạn chế việc nói tiếng Anh thuần thục và lưu loát của họ. Tất cả chúng ta đều có thể nhớ chính xác những tình huống ta mắc lỗi khi nói và điều đó khiến chúng ta cảm thấy không an toàn, bối rối và xấu hổ vì mức độ nói tiếng Anh còn thấp của chúng ta. Vậy làm sao để có thể vượt qua nỗi sợ ấy, rất nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra không ít giải pháp nhằm cải thiện tình trạng này.

2. Những biện pháp giúp người học vượt qua nỗi sợ nói tiếng Anh.

Theo các nhà nghiên cứu, cách duy nhất học nói tiếng Anh thuần thục là: tìm đến mọi nơi có thể để được nghe và nói tiếng Anh càng nhiều càng tốt. Hãy thử nghĩ, một đứa trẻ sinh ra ở Anh hoặc Mỹ, không biết một qui tắc ngữ pháp nào nhưng chúng có thể nói tiếng Anh lưu loát. Vì thế, hãy tận dụng cơ hội thực hành nói tiếng Anh khi có thể, không từ chối đối thoại với người nước ngoài bằng tiếng Anh mà hãy can đảm nhảy vào tham gia nói chuyện cứ như bạn sẵn sàng nhảy xuống hồ bơi để bơi thật thoải mái vậy.

Để nói thuần thục tiếng Anh đòi hỏi bạn phải biết cách kết hợp từ trong quá trình nói tiếng Anh. Bí quyết ở đây là bạn phải học các cụm từ như chúng được sử dụng trong các hội thoại của cuộc sống thực. “Bạn càng học được nhiều cụm từ và thành ngữ bao nhiêu thì khả năng nói của bạn sẽ trở nên tự động bấy nhiêu”

“The more phrases and idiomatic expressions you learn, the more automatic your speech is going to become” – ( by Robby on December 15, 2011)

Ví dụ: Cụm từ “Pick it up”

Chắc chắn rằng một đứa trẻ học từ “to pick” trong trường hợp cụ thể sau : “ Khi mẹ hoặc bố đứa trẻ bảo nó nhặt cái gì đó lên” và từ “ to pick”, “ it” và “up” có thể rất ít có nghĩa đối với một đứa trẻ ở giai đoạn đầu, song cụm từ “ pick it up” lạị mang một ý nghĩa rất rõ ràng trong đầu đứa bé. Từ đó có thể hiểu tương tự rằng đây chính là cách học nói tiếng Anh tốt nhất đối với mỗi người. Học như trẻ học nói, học những cụm từ, cách kết hợp từ khi tai nghe, mắt nhìn thấy ở người khác khi họ nói tiếng Anh trong những tình huống cụ thể.

Tình huống cũng có thể do bạn tạo ra. Những loại tình huống đầu tiên thường liên quan nhiều đến những câu chuyện phiếm, những cuộc trò chuyện hàng ngày, những cụm từ tiếng Anh được dùng thường xuyên với chính những người bạn hay gặp. Có thể là những người bạn cùng lớp hay đồng nghiệp nói tiếng Anh hoặc đang học nói tiếng Anh như bạn. Khi đó bạn sẽ nói về những vấn đề ít nhiều đều giống nhau, lặp đi lặp lại mỗi sáng, mỗi chiều. Điều này giúp cho não của bạn hình thành phản xạ bật ra câu nói bằng tiếng Anh một cách tự động, liên tục mà không phải phân vân, do dự khi nói.

Để nói lưu loát tiếng Anh, bạn hãy xóa bỏ mọi định kiến về rào cản mà bạn cho rằng không thể vượt qua và bạn đừng lưu tâm tới việc sợ mắc lỗi trong khi nói chuyện. Bạn hãy tự an ủi rằng bạn không phải là người Anh bản xứ nên việc bạn mắc những lỗi nhỏ khi nói là có thể châm chước và đừng coi đó là rào cản trong việc nói tiếng anh của bạn. Việc sơ suất, hay lỡ sai khi nói không giống như việc mắc một lỗi thường xuyên khi làm bài tập thực hành. Bạn nên nhớ rằng, không ai nói tiếng Anh một cách lưu loát mà không hề mắc lỗi nào. Nhiều người Mỹ nói tiếng Anh cũng vẫn còn sai ngữ pháp nên ta không sợ nói sai. Hãy mạnh dạn, tự tin khi nói sẽ khiến bạn nói trôi chảy và lưu loát, không chú ý đến điều mình có mắc lỗi hay không mà nên qua tâm nhiều nhất đến cách thể hiện ý nghĩ, ý tưởng của mình. Bạn cũng cần biết, người nói chuyện bằng tiếng Anh với bạn trong cuộc sống thực thường không quan tâm nhiều tới việc bạn biết gì mà vấn đề là bạn có thể giao tiếp với họ bằng tiếng Anh như thế nào. Nói chung chủ yếu họ quan tâm nhiều đến cách nói, khả năng diễn đạt ngôn từ của bạn hơn là những câu, từ bạn nói. Đó chính là cách bạn nhìn mọi người, cảm xúc của bạn khi bạn nói, sự thể hiện nét mặt và cử chỉ điệu bộ của bạn nữa vv…

Một điều quan trọng nữa, đó là bạn đừng cố gắng nói tiếng Anh như bạn đã viết nó. Nói và viết tiếng Anh là hai việc rất khác nhau. Theo Robby “Written English is from Venus, Spoken English – from Mars”. ”. – ( by Robby on November 6, 2010).

Tiếng anh nói có nghĩa ứng khẩu, mang tính tức thời. Khi bạn mở miệng nói ra điều gì, bạn không thể rút lại chính cái điều mình đã nói ra. Ngược lại, sau khi bạn viết, bạn vẫn có thể bỏ đi những câu, từ mà bạn thấy không hợp lí trước khi ra mắt độc giả. Tiếng Anh viết thường chặt chẽ hơn và thường theo một dạng chuẩn về ngữ pháp, cấu trúc hay từ vựng vv….Trong khi tiếng Anh viết sử dụng tất cả ngôn từ của bạn ở dạng chủ động hay bị động, thì tiếng Anh nói lại hầu như chỉ có thể sử dụng ngôn từ chủ động. Chẳng hạn, đến cơ quan, bạn không thể kể với anh bạn đồng nghiệp mà sử dụng câu tiếng Anh ở dạng bị động như: “ I was being driven home by a friend of mine yesterday”, thay vào đó, bạn phải nói: “A friend of mine gave me a lift home yesterday”. Tiếng Anh nói mang tính phổ biến, thân thiện và dễ hiểu, ai cũng có thể nói kể cả khi không biết viết nhưng không phải ai cũng học đọc và viết. Khi nói tiếng Anh, người nói sử dụng tiếng nói ở các cao độ, nhịp, nhấn âm và cả ngôn ngữ cơ thể cùng ngữ điệu của họ. Tiếng Anh nói thường tự phát nên không được chau chuốt , người nói không có thời gian để sắp đặt dàn ý. Người nói phải đối diện với người nghe một cách trực tiếp, những người có thể tỏ sự đồng ý hay phản đối, có thể ngắt lời hay chất vấn, thậm chí bình luận ngay trong khi bạn nói. Người nói có thể đo được thái độ, sự tin cậy và cảm giác của người nghe qua những phản ứng bằng lời hoặc không bằng lời. Tiếng Anh nói thường không trang trọng. Người nói thường dùng câu đơn giản được nối với nhau bởi nhiều từ nối như “and”, “ but” … Tránh việc sử dụng nhiều câu phức và hoặc ngôn từ trang trọng trong văn viết để hội thoại hàng ngày .

Nhưng cả tiếng Anh nói và tiếng anh viết đều có sự gắn kết với bối cảnh xã hội, liên quan đến con người, tuổi tác, sắc tộc, phái giới vv…. Cho nên dựa vào người mà ta giao tiếp và điều mà ta bàn luận, ta có thể ấn định cách giao tiếp trang trọng hay không trang trọng. Và một yếu tố nữa giúp bạn nói tiếng Anh thuần thục là dựa vào trải nghiệm xã hội của bản thân. “If you’ve spent very little communicating with other English speaking people, no writing skills will help you form a fluent and natural speech”- ( by Robby on November 6, 2010)

“Nếu bạn giao tiếp rất ít với những người nói tiếng Anh, chẳng có kĩ năng viết nào giúp bạn đạt được việc nói tiếng Anh thuần thục và lưu loát cả”.

Hãy cố gắng xây dựng cách diễn đạt câu nói bằng tiếng Anh từ trong đầu, hạn chế nghĩ câu bằng tiếng mẹ đẻ rồi dịch trực tiếp sang tiếng Anh. “Don’t Translate Directly When Speaking English! Your English speech won’t be fluent for as long as you prepare the speech in your head using your native language”-( by Robby on February 28, 2010). Tất nhiên bước đầu là khó và không thể thuần thục như ta nghĩ câu tiếng mẹ đẻ trong đầu được. Bạn nên nhớ việc dịch trực tiếp từ tiếng mẹ đẻ sang tiếng Anh khi nói là một lí do khiến bạn không thể nói tiếng Anh trôi chảy.

Tuy nhiên cùng với việc bạn phải tự nhủ rằng: “Mắc lỗi trong khi nói tiếng Anh là chuyện bình thường”, thì bạn cũng không được cho phép mình bằng lòng với việc nói tiếng Anh tồi, vấp váp. Do đó bạn cần cố gắng luyện tập ngữ pháp, bổ sung vốn từ vựng, rèn luyện kĩ năng nói tiếng Anh để chắc chắn mình sử dụng tiếng Anh tốt.

Một khi bạn nói tiếng Anh tới mức thuần thục, nỗi sợ nói tiếng Anh tự biến mất lúc nào mà bạn không hay. Thay vào đó, bạn lại luôn cảm thấy hứng thú, muốn có được những tình huống để được thỏa sức nói tiếng Anh. Cứ như vậy, kĩ năng nói tiếng Anh của bạn sẽ phát triển không ngừng. Bạn sẽ thấy được thêm nhiều điều bổ ích và lí thú mà chính những người đối thoại bằng tiếng Anh với bạn mang lại.

Làm chủ mọi tình huống, làm chủ trong giao tiếp, tự tin vào khả năng giao tiếp của bản thân cũng như tiềm năng ngôn ngữ của mình là yếu tố quyết định giúp bạn thành công trong giao tiếp bằng tiếng Anh.

Để khuyến khích nói tiếng Anh cho các học viên, việc giáo viên biết được nguyên nhân sợ nói tiếng Anh của người học là điều cần thiết. Giáo viên bản địa hay nước ngoài đều nên chú ý hơn đến yếu tố tâm lí của học viên và rút ra những phương pháp hữu ích nhằm loại bớt nỗi sợ nói tiếng Anh của các học viên, xây dựng niềm tin trong các học viên khi họ bắt đầu giao tiếp thường xuyên hơn bằng tiếng Anh. Chẳng hạn giáo viên có thể cho điểm kém khi các học viên mắc lỗi trong bài luyện tập ngữ pháp nhưng trong giờ phát triển khẩu ngữ thì việc ngắt lời, bắt lỗi trong lúc các học viên đang thực hành nói tiếng Anh hoặc cho điểm kém vì những lỗi đó là điều không nên bởi sẽ khiến các học viên vốn đã sợ nói tiếng Anh lại càng sợ hơn. Mọi sự góp ý, chỉnh sửa vẫn rất cần thiết nhưng đều hết sức nhẹ nhàng, mang tính khích lệ và đưa ra sau khi các học viên đã hoàn thành lời nói của mình.

Với những ý kiến của bản thân cũng như thu thập từ nhiều nguồn tài liệu tiếng Anh, người viết bài mong muốn đóng góp một phần nhỏ vào việc cổ vũ, khích lệ các học viên vượt qua nỗi sợ nói tiếng Anh, biến nỗi sợ thành sự thích thú nói thuần thục ngôn ngữ mang tính quốc tế này nhằm vươn tới những mục đích xa hơn đang chờ bạn ở phía trước.


Trở lại Trang Trước

Cập nhập lần cuối cùng lúc 8:30h ngày 31 tháng 1 2012
Phạm Công Hiển

No comments:

Post a Comment