Sunday, February 4, 2018

Sau Cơn Lũ - PCH


Phố Qui Nhơn nằm "co ro" trong tỉnh Bình Định - mực nước sông chỉ dâng lên xấp xỉ chân giường. Anh tỉnh trưởng tỉnh Bình Định cũng "nằm co" chờ cơn lũ chấm dứt.

Mấy cô nấu kẹo mạch nha ở Quảng Ngãi đang "lo" cho vựa mía ngập đầy nước thì bác tỉnh trưởng tỉnh Quảng Nam đang "cãi lộn" với chú thị trưởng của thành phố Đà Nẵng - dù răng đi nữa, "Quảng hay Đà cũng gà một giống" . Hơn nữa "lá lành phải đùm lá rách" chú ơi !

Trong khi các vị "to đầu" đang "co ro", "cãi cọ" và "lo lắng" thì tỉnh lỵ Thừa Thiên "ních" hết cảnh màn trời, chiếu đất !

Đứng trước máy truyền hình trong khách sạn, tôi lẩm bẩm : Quả thật người trung của tôi hay chọc nhau: Quảng Nam hay "cãi" , Quảng Ngãi hay "lo" , Bình Định "năm co" , Thừa Thiên ăn hết" thiệt là chí lý !

~oOo~


Tôi đáp chuyến bay đầu tiên từ Tân Sơn Nhất đến Đà Nẵng vào một buổi sáng mưa còn nặng hạt. Cảnh vật như xìu xìu ển ển đón chân tôi ... Răng rứa hè ? - tôi tự hỏi. Răng là răng ? - Răng mà chuyến thăm nhà của tôi từ Mỹ lần này lại buồn hiu rứa ? - Rứa là tôi đã nghe lại những người xung quanh trong sân bay Đà Nẵng đang than ngắn thở dài về cơn lũ vừa qua ! Rứa là tôi xìu xuống như cái tàu lá chuối gặp mưa, tôi không còn hớn ha hớn hở như tối hôm qua trong cái khách ấm áp nớ. Rồi tôi lo ngại cho gia đình ngay - một đứa em gái ở Qui Nhơn, một đứa lấy chồng ở Quảng Ngãi và họ hàng bên ngoại thì ở Thừa Thiên...

Ngồi sau chiếc xe thồ (xe ôm), tôi miên man hồi tưởng ...



Tết Mậu Thân, cái tết đau thương, đầy nước mắt nhất của miền trung và riêng của Huế... Viên đạn ác ôn không ai nhắm mà lại trúng ngay cái trán của ba tôi; để lại mẹ một bầy con. Rồi mẹ bỏ Huế từ dạo ấy - mẹ sợ luôn cái căn nhà mang dấu vết của ba .



Hồi đó tôi còn đi học, Lan yêu tôi say đắm. Thế rồi vào mùa hè đỏ lửa năm ấy, tôi đã phải bước chân lên chiếc xe nhà binh chở tôi dến trại nhập ngũ, như đứa con gái vừa tròn mười tám đang sắp sửa bước về nhà chồng - bến trong thì nhờ, bến đục ráng mà chịu . Cái chiến tranh tàn bạo nhất mà tôi đã chứng kiến bằng tai nghe mắt thấy trong lịch sử của nước Đại Cồ Việt, nó đã cướp mất tôi khỏi vòng tay thương yêu của mẹ và đôi mắt ngấn lệ của Lan. Rồi từ đó Lan tự nhiên là đứa con nuôi của mẹ tôi - nuôi hay ruột, không quan trọng mấy vì Lan đã thoát cảnh mồ côi sau cái tết năm nào .



Dòng đời cứ trôi nổi như những chiếc đò trên con sông Hương yêu dấu - đó là Lan ! Còn tôi (?) - chiến tranh đã chấm dứt, đẩy tôi ra khỏi những dòng sông bên kia bể Thái Bình; giấu tôi khỏi tầm nhìn của những người yêu dấu; thả tôi trên vùng đất xa lạ, không có lũy tre xanh, không một bóng dừa hoang dại, cũng chẳng nghe thấy tiếng sáo diều trên bầu trời trong vắt; trăng ở đó không vằng vặc, không chạy đua với sóng gợn của sông Hương, không e thẹn lấp mình sau đọt cau cao ngất... Mạ ơi ! Người tình hởi !



Rồi tôi cũng chấp nhận cuộc sống quá dư thừa vật chất ấy trên mãnh đất tạm dung kia ...

Hơn mười lăm năm quằn quại trôi qua, nỗi hoài mong của người viễn xứ trong tôi cũng có ngày được tạm coi như chấm dứt - năm đó tôi đã về thăm mẹ không phải ở Huế, nhưng cũng ở trên cái mãnh đất thân yêu này . Tưởng tôi như một bóng ma, Lan rụt rè rơm rớm nước mắt: Anh Tấn !!! Anh Tấn ... Mạ ơi !

Mẹ ôm tôi như đứa trẻ ... Khóc cười hả dạ rồi mẹ nấu một nồi nước với sả và lá chanh . Lan hụp đầu trên cái thau nhôm để mẹ tôi gội tóc.

Nhìn cái cổ trắng nuột và bộ ngực tròn quay rung rinh sau chiếc áo mỏng, tôi mỉm cười hỏi mẹ:

- Răng lúc mô Lan cũng đẹp rứa mạ hè ?
- Xí ! Vợ con đùm đề ... còn tán hươu tán vượn !
- Tán hồi mô rứa mạ ?

Lan lí nhí:
- Mạ nói rứa đụng chạm ghê nghe mạ !
- Lan của mạ đâu phải vượn mô ?
- Rứa con là hươu răng mạ ?

Tôi im lặng nhìn Lan và mẹ đang thay phiên nhau gội tóc.

Mẹ quay lại hất đầu :
- Tấn ngồi xuống Mạ gội đầu cho !

Tôi ngoan ngoãn như một đứa bé. Lan mỉm cười nhìn tôi với ánh mắt tinh nghịch:

- Gội đầu xong Mạ cho anh Tấn bú miếng sữa nữa mạ hỉ ?

Tôi ngồi trên "chiếc đòn" hụp mặt trên thau, tận hưởng cái hạnh phúc tuyệt vời hiếm có nhất trong mười mấy năm xa nhà; thứ hạnh phúc trọn vẹn nhất mà mạ và người em gái nuôi đã cho tôi ...



~oOo~


Ánh sáng trắng ngà, cây đa trên mặt trăng lại to, chú cuội già lại thật rõ và mấy con cóc cứ nhảy lung tung trong vườn chè sau nhà mẹ Trên hai chiếc võng song song, hai đứa chúng tôi đu đưa theo từng tiếng kẽo kẹt.

Tôi thì thầm hỏi Lan:
- Răng Lan không đi lấy chồng ?

Lan nhìn trăng hỏi lại: - Tấn có phải chú cuội không rứa ?
- Thì đã đành chú cuội ...

Lan cướp lời:
- ... đang ôm một mối mơ phải không Tấn ?
- Nhưng Lan mô phải trẻ hoài ?
- Mặc kệ Lan ! Tấn đừng lo !

Tôi chịu thua; lúc nào tôi cũng thua Lan cả. Tôi vớ lấy cây đàn đã đứt mất một sợi dây, tôi rên rỉ mấy câu:

Tôi có người bạn thân .
Người ấy tên là buồn .
Hai đứa quen nhau từ ngày mới lớn.
Ngày đó buồn còn xa lạ ...
Không hay đến thăm tôi .
Ngày đó còn nhiều mơ mộng ...
Nên tôi cũng không thân.
Cho đến ngày tôi yêu ...
Ngày biết yêu lần đầu .
Ôi những đam mê của thời mới lớn
Tình yêu là trò chơi lạ
Ai có biết thương yêu về sau ...
Từ đó buồn thường hay lại
Hay đến thăm tôi luôn ...
Buồn ở lại ray rứt ...
Lúc mất người yêu ...
Buồn rủ thêm cô đơn đến đây ...
Chơi mỗi chiều ...
Buồn luôn có mặt ...
Mỗi lần ta nghĩ đến em ...
Sợ rằng lần này buồn sẽ ... Ở lại đây ... mãi
(Nhạc Đức Huy)

Bỗng có tiếng mẹ tôi sau giếng:
- Tấn hát chi lạ rứa hè ?

Tôi ngừng hát lắng nghe tiếng gàu đang giục "bùm bùm" rồi tiếng nước tom tỏm rơi vào lòng giếng. Lan khều tôi :
- Tấn hát tiếp đi !

Tôi mỉm cười : - Buồn chết !
- Kệ tía buồn ! Cho buồn đi chơi luôn !
Tôi tiếp tục rên :

Tôi có người bạn thân .
Người ấy tên là buồn .
Hai đứa thân nhau từ ngày mất nước.
Là những người còn lưu lạc ...
Ai không biết đơn côi ...
Ngồi nhắc mãi về chuyện quê nhà
Lâu quá vắng tin vui ...
Ai biết được cuộc sống
Vật chất dư thừa này
Không thiếu những đêm trằn trọc thức giấc
Cuộc sống của người đi đường
Có chắc giữ không anh ...
Hỏi những người còn ở lại
Ai không muốn ra đi ...
Buồn thật là ray rứt
Những tháng ngày tha hương ...
Buồn rủ thêm cô đơn đến đây ...
Chơi rất thường ...
Buồn xin đến trọ
Nói rằng mình đã quá thân ...
Sợ rằng lần này buồn sẽ ... Ở lại đây ... mãi
Sợ rằng lần này buồn sẽ ... Ở lại mãi đây ...
(Nhạc Đức Huy)

Có tiếng thụt thịt. Tôi bỏ đàn xuống:
- Thấy chưa ! Buồn qua ở trọ bên Lan rồi !

Lan vừa bật cười thành tiếng, vừa rị tay tôi:
- Khi mô vợ Tấn mới đẻ ?

Tôi không muốn giấu Lan:
- Tấn không còn có vợ nữa !
- Răng Tấn láo quá rứa hè !

Tôi giơ hai tay khoe với lan:
- Đây nì ! Lan có thấy chi không ?

Lan thò chân đạp đất, hai chiếc võng chạm vào nhau rồi dừng lại .

Lan buồn bã hỏi tôi:
- Răng rứa Tấn ?
- Vợ Tấn không muốn có con !
- Răng lạ rứa ?

Tôi ngập ngừng:
- Đàn bà ở Mỹ chuộng sự nghiệp, yêu nghề hơn chồng con đó Lan !
- Rứa Tấn làm răng ?

Tôi bật cười :
- Khéo chưa ! Kiếm vợ khác chớ răng !

Lan trườn người béo tôi một cái đau điếng. Tội chụp được tay Lan. Rồi tôi nghe hai quả tim đập thình thịch, những hơi thở dồn đập kéo đến, rồi hai vật âm ấm từ ngực Lan chạm vào mặt tôi ...

Hôm tiễn tôi đi , Lan sờ bụng mỉn cười:
- Bảo trọng nghe Tấn !

Rồi Lan chạy vụt vào trong nhà.

Đó là lần cuối tôi gặp lại Lan ...


~oOo~


Chiếc xe ôm vừa dừng lại trước hiên, tôi vừa trả tiền vừa la ơi ới:

- Mạ ơi !!! Lan ơi ... Tấn đây nì !

Một tiếng choảng vang lên từ sau . Bóng mẹ tôi lật đật bước ra từ căn bếp mù mịt khói .

Mẹ nheo mắt:
- Tấn mô ! Tấn mô rứa ?
- Ngô Minh Tấn ... chứ Tấn mô nữa !

Gần mười năm tôi mới về thăm lại mẹ Sau khi mẹ để lại một vết nước trầu đỏ lòm trên trán tôi rồi mẹ bù lu bu loa đủ thứ chuyện, chuyện trên trời, chuyện dưới bể

Mẹ bẹo má tôi:
- Rứa là mạ hết lo cho mi rồi !
- Răng mạ lại lo cho con rứa mạ ?
- Lụt lớn như rứa mà mi cũng về thăm tao !
- Mấy đứa có răng không mạ ?
- Mô có răng, chỉ có con Lan ...

Mẹ dừng nói. Tim tôi như nhảy ra khỏi lồng ngực. Tôi rị tay mẹ mấy lần rồi nước mắt mẹ ứa ra :

- Mạ cũng không biết nơi !
- Răng mạ không biết ?
- Hồi nớ ... Hắn đòi về An Cựu ... Mạ cản hoài mà hắn không chịu nghe .
- Răng tự nhiên Lan đòi đi ?

Thay vì trả lời mẹ tôi tiếp:
- Cả năm sau mạ nhận thư hắn, mạ đòi ra thăm, hắn nói : thôi để con vào thăm mạ, mấy ngày sau hắn vào trên tay bồng thằng Đạt ...

Tôi cắt lời :
- Thằng Đạt ?
- Năm nào hai mạ con hắn cũng về ăn tết rồi lại đi !
- Lan lấy chồng răng mạ không nói cho con nghe ?

Mẹ tôi đánh trống lảng:
- Thôi khi mô rảnh mạ nói hết cho Tấn nghe !


~oOo~


Liên tục mấy ngày, mặt trời cứ thập thò trong những cụm mây . Tôi che mắt vừa nhìn ra phía biển vừa gọi mẹ:

- Mạ ơi mạ !
- Chi rứa Tấn ?
- Con phải đi ra Huế

Ánh mắt mạ chợt sáng trưng:
- Làm răng mà đi đây Tấn ?

Chưa đợi tôi cho ý kiến, Mạ ra sau vườn la lớn:

- Thọ ơi !!! Qua đây cho cô biểu cái ni nì ?

Có tiếng Thọ vọng lại:
- Chi rứa cô ?

Vừa chạy ra sau vườn vừa dáo dát ngó quanh, tôi bắt gặp Thọ đang phạch hàng rào chun vào vườn .

Tôi hét lớn:
- Mạ ơi ! Ăn trộm !

Thọ khua tay nhìn tôi mỉm cười:
- Nghe anh Tấn về hôm qua, mà em lại đi làm về trể...

Tôi cướp lời Thọ :
- Mần ăn ra răng rồi ?
- Kiếm cháo qua ngày thôi anh Tấn ơi!

Vừa vào nhà mẹ tôi ra lệnh ngay:
- Thọ dẫn "Cu Tấn" ra Huế coi thử chị Lan với Thằng Đạt ra răng ?

Thọ ngần ngừ nhìn tôi:
- Để con coi lại hai chiếc xe Honda đã nghe cô ?

Nửa giờ sau, Thọ dựng hai chiếc xe gắn máy có phân khối lớn trước sân nhà mẹ tôi; sau mỗi chiếc kèm theo một bình xăng phụ

Thọ bặm miệng rồi vừa gật đầu vừa nói:
- Nếu mình đi bi chừ thì chiều tối mình lại về đó anh Tấn !

Mẹ tôi nhìn hai đứa:
- Hai đứa mi coi chừng đó !

Tôi trấn an me:
- Đi với thợ máy thì lo chi hè !

Hai đứa tôi ăn vội mấy tô cơm hến của mẹ đã nấu sẵn. Mẹ nhét một chùm bánh ú, một xấp bánh nậm và một phích nước chè nóng vào ba lô của tôi .

Hai chiếc xe rú lên rồi biến mất; bỏ mẹ tôi lại dưới ánh mắt lo ngại .

Ra đến Quốc lộ 1A, chúng tôi chạy song song nhau . Tôi hét lớn trong tiếng gió:

- Thọ biết đừờng rành không rứa?
- Quê nội em mà anh giỡn hoài



Xe vừa đỗ đèo Hải Vân, đường xá có vẻ trở ngại một chút nhưng chúng tôi cũng băng qua được . Đến gần xế thì bọn tôi phải gởi xe lại cho người bà con của Thọ Hai chúng tôi thả bộ trên nhiều đoạn đường lầy lội rồi dừng lại trước một căn nhà ngói có vài lỗ hổng trên mái nhà. Trên hiên nhà đầy rát rưới, đất bùn xám xịt; một đứa bé chừng tám chín tuổi, đang co ro trong chiếc áo tơi, bên cạnh là một cái lồng sắt có năm con chó con đang run rẩy ...

Thọ lên tiếng:
- Phải cháu tên Đạt không rứa ?
- Dạ !

Tôi cỡi cái áo lạnh nhào tới trước mặt Đạt. Giọng tôi hốt hoảng:
- Mạ mô rồi Đạt ?

Thằng bé oà lên khóc, nó vừa ho sù sụ vừa trả lời tôi:
- Mấy ngày rồi ... con không thấy mạ trở lại nữa !
- Rứa mạ đi mô ? Con biết không ?

Đạt vừa khóc vừa lắc đầu . Tôi sợ đôi mắt còn chứa đựng vẻ đau đớn của thằng bé nên tôi không dám hỏi nữa .

Tôi choàng chiếc áo ấm vào Đạt rồi tôi cõng nó đi quanh ra sau vườn nhà. Khung Cảnh ngổn ngang, xiêu vẹo, lầy lội tới ống chân... Tôi vội quay lại trước sân trong khi Thọ thở hổn hển:

- Em hỏi quanh không ai thấy chỉ mô hết !

Nhìn cái cảnh đổ nát tan thương đó, tôi cõng Đạt như đang chạy trốn trên những con đường quanh xóm.

Vừa nhìn năm con chó con trên tay, Thọ vừa đề nghị :
- Chắc mình về hè ? Nếu không trời tối thì khổ thêm !

Tôi hoang mang:
- Bậy quá !

Quả thật, bọn tôi đã gần như kiệt sức. Ra khỏi làng; đến chỗ gởi xe, chúng tôi nói với người bà con của Thọ là Đạt đã vào Nam Ô, nếu gặp Lan nhờ anh nhắn lại .

Sau xe Thọ trong chiếc lồng sắt, năm con chó con đang chui rúc vào nhau dưới mớ lá tơi .

Ăn liên tục mấy cái bánh ú, Đạt bị tôi cột cứng vào lưng, dưới lớp áo mưa . Chiếc xe gắn máy rú lên và tôi rời Huế với tâm trí ngổn ngang, muôn vạn nỗi đau buồn. Với sức ấm của tôi, Đạt chìm vào một cơn ngủ dài .

Tôi thì thầm cho chính tôi nghe:
Đạt ơi ! Cậu sẽ nói răng với Đạt bây chừ ???


~oOo~


Hai chiếc xe gắn máy vừa đỗ đèo Hải Vân tôi thở phào nhẹ nhỏm. Đạt cựa mình bấm tay tôi:

- Cho con đi tiểu ?
- Còn tí nữa là tới nhà, Đạt nín được không rứa ?
- Chắc không nổi nữa mô !

Tôi tấp vào lề, tháo chiếc dây thừng khỏi lưng tôi, Đạt leo nhẹ xuống xe . Bóng Đạt trải dài trên bãi cỏ trước mặt. Tôi vội tắt đèn ...

Im lặng, Đạt nắm cánh tay tôi leo lẹ lên sau lưng, rồi Đạt nói:

- Đừng cột con nữa !
- Bu cứng nghe Đạt !
Thằng bé úp mặt vào lưng tôi và hai chiếc xe rú lên thật đều trong không gian tĩnh mịch. Và, chúng tôi dừng lại trên sân nhà mẹ, nhìn đồng hồ vừa đúng nửa đêm. Thọ vừa cởi cái lồng sắt đưa cho tôi, vừa nói nhỏ:

- Em hơi mệt ! Để em khóa hai chiếc xe lại với nhau ! Mai tính sau !

Tôi cảm ơn Thọ . Tay xách lồng chó, tay nắm Đạt đi quanh lại cửa sau . Đèn bỗng bật sáng; Mẹ tôi che mắt nhìn ra . Đạt ùa vào ôm cứng lấy cổ mẹ tôi. Hai bà cháu khóc ré lên làm mắt tôi cay xé như gặp ớt ...



Tôi mệt lả người . Vừa ngã người trên giường mẹ, tôi đã chết luôn cho đến khi tiếng cục tác của đàn gà mái và những tiếng chim chíp thật êm tai của đám gà con. Tôi mở bừng mắt và tưởng chừng như vừa trải qua một cơn ác mộng ...



~oOo~


Hai bà cháu đang ôm nhau ngủ trên chiếc giường bên cạnh. Tôi rón rén bước ra sân ưỡn ngực ngáp luôn hai cái . Bỗng tôi thấy hai vết chân chống của hai chiếc xe gắn máy trên sân; tôi chạy vội vào đánh thức mẹ:

- Mạ ơi ! Hai cái xe mô rồi mạ !

Đang ngái ngủ, mẹ tôi hỏi:
- Xe ... mô ... !

Trong khi tôi đang hốt hoảng, mẹ nhừa nhựa:
- Thằng Thọ đem về hồi sáng rồi !

Tôi thở phào nhẹ nhỏm. Trong khi mẹ đánh thức Đạt, mẹ nhờ tôi:

- Bưng cái nồi "nước sả" ra sau nhà giùm mạ đi !

Rồi mạ rị thằng Đạt ngồi dậy trên giường; nó dụi mắt nhìn tôi trong lúc tôi khum lưng chờ nó. Tôi cõng nó xuống bếp. Mẹ tôi lẽo đẽo theo sau .

Mẹ pha thêm nước lạnh trong thau lớn rồi tuột quần Đạt tắm gội thằng bé lia lịa . Xong mẹ ra lịnh cho tôi:

- Mi nữa ! Bộ chờ mạ tuột quần răng rứa !

Tôi ngoan ngoãn hơn Đạt ...



Mùi sả và nước ấm làm tôi và Đạt tươi hẳn lại. Tiếp theo một tô bún Huế cay xé môi; tôi bụm tai nhảy lia nhảy lịa . Đạt mỉm cười nhìn tôi . Đó là nụ cười đầu tiên trên khuôn mặt có cái trán hơi dô, cái miệng hơi rộng và đôi mắt quen quen mà tôi đã từng soi mình trong đó - cái đôi mắt rất đẹp; đôi mắt buồn vời vợi; đôi mắt mà tôi không dám nhìn lâu, e rằng tôi sẽ tan biến vào trong đó. Rồi tôi lại sợ đến cả cái nụ cười của Đạt nữa - tôi sợ cái niềm vui của Đạt sẽ tan biến theo nổi buồn đang bắt đầu len lỏi vào tim tôi. Khi nỗi đau đã đến mức tận cùng, tôi nhỏ nhẹ hỏi Đạt:

- Mạ đi mô Đạt có còn nhớ không ?

Đạt sụp mắt xuống, vân vê cái ví của Lan đang đeo trên cổ rồi Đạt từ từ kể cho tôi nghe ...

Bữa nớ ... Trời mưa lớn ... Mưa cả ngày lận, mưa tới chiều luôn ! Mạ đang rửa chén đằng sau hè, còn Đạt đang giỡn với mấy con chó con mới đẻ mới ba bốn ngày chi đó.

Thình lình mạ nói:
- Đạt ơi ! Lụt lớn lắm ! Đạt mang chiếu mền lên trên gác giùm mạ đi !

Con trèo lên gác rồi thả dây xuống, con kéo hết mền mùng lên. Một chặp lâu, mạ mang cái lồng chó lên với một bọc mì gói .

Con hỏi mạ :
- Làm răng mang con chó cái lên ?

Mạ nói:
- Để tí nữa đã !

Lúc đi ngủ, con dòm xuống thấy nước đầy nhà rồi con chó cái sủa hoài . Mạ biểu con thả sợi dây xuống, mạ cột con chó vào rồi mạ với con kéo hắn lên. Lúc gần sáng con mắc tiểu, mạ nói:

- Đái đại xuống nớ đi !

Đang tiểu, con thấy nước lên tới gần sàn gác. Một hồi lâu, trời sáng, nước ngập đến chưn luôn ... Mạ lấy miếng vánca.y hoài mới gỡ ra được mấy tấm ngói . Mạ tròng vô cổ con cái ví của mạ đang gói trong bịch giấy ny-lông mạ nói :

- Chui lên nóc nhà đi !

Ngồi trên nớ, con gỡ thêm ngói ra một lỗ bự rồi mạ chun lên. Mạ đưa con cái áo mưa bọc đầy mì gói rồi mạ kéo mấy con chó con lên nữa ! Nói đến đây đạt bỗng bật khóc thành tiếng.

Tôi nín thở, rung vai Đạt:
- Răng nữa Đạt ?
- Mạ ... kéo con chó cái lên khỏi nóc nhà ... hu hu hu ... mạ ... hu hu hu ...

Tôi hét lớn:
- Mạ răng Đạt ... ?
- Mạ trợt xuống nước với con chó. Con thấy mạ bơi được một đoạn, rồi con không còn thấy mạ nữa ! Còn con chó cái bị nước lôi đi luôn ...



Đạt khóc lớn nhất ! Đến mẹ tôi ... Tôi cũng không cầm được nổi cơn đau tận xương tủy ... Ba chúng tôi ôm nhau trên chiếc ghế dài . Tôi đặt Đạt lên đùi và ôm thằng bé vào lòng mà tim tôi như vỡ ra từng mãnh vụn. Tôi nghiến răng nuốt nỗi đau thương ... Lan ơi ! Còn đâu những ngày xưa thân ái; còn đâu nụ cười và ánh mắt đắm đuối của em ! Nước mắt tôi cứ nhỏ xuống người Đạt; nhỏ xuống như cơn lũ vừa qua ...

Và nước mắt rồi cũng cạn khô, để lại sự trống vắng khó tả trong lòng tôi .

Tôi cúi xuống hỏi Đạt:
- Rứa ba Đạt mô rồi ?
- Mạ nói "Ba Tấn" đi lạc hồi Đạt còn nằm trong bụng mạ !

Tôi giật thót người . Đạt rơi xuống khỏi vòng tay của tôi . Ngửa mặt nhìn thẳng vào mắt tôi rồi thằng bé mở cái ví trên cổ đưa tôi tấm hình và nói:

- Khi mô Bác thấy mạ với "Ba Tấn" của Đạt bác chỉ giùm Đạt đi !

Đó là tấm hình của Lan với tôi chụp hơn hai mươi năm về trước.

Tiếp theo tấm ảnh, Đạt đưa tôi cái giấy khai sanh với mấy hàng chữ:

Họ & Tên: Ngô Tấn Đạt . Cha: Ngô Minh Tấn . Mẹ: Vũ Thị Phương Lan

Nhìn cái trán dô ra , cái miệng hơi rộng của tôi và đôi mắt ươn ướt của Lan trên khuôn mặt khá đẹp của thằng Đạt, tôi như ngất xỉu , mắt tôi hoa lên, chân tay run rẩy . Mơ mơ tỉnh tỉnh ...Tôi loạng choạng chạy vội ra sau vườn, bỏ Đạt và mẹ tôi đứng đó ...



Tôi đứng trong vườn chè nơi mà Lan đã "béo" tôi gần mười năm về trước, tôi thầm thì trong ánh nắng của ban mai: "Rứa là Lan đã thay anh đi lạc rồi !" . Bỗng tiếng Đạt đằng sau lưng tôi:

- Ba Tấn đó phải không ?

Bốn mắt chạm nhau như sức hút cực mạnh của nam châm. Đạt chạy lại ôm chầm lấy tôi . Tôi cõng Đạt vào nhà.

Đạt bấu cổ tôi và hỏi:
- Răng ba đi lạc rứa ?
- Ba không biết nữa !
- Rứa khi mô ba tìm lại mạ ?
- Chắc mạ đi lạc lâu hơn "Ba Tấn" đó Đạt ơi !!!

Dưới chân cha con tôi, năm con chó con đang quấn quít bên nhau .

Sau cơn mưa trời lại sáng (???)

- Hết -

New York, Ngày 30 tháng 11 năm 1999
Tặng tất cả những bà mẹ của đất Thần Kinh.
PCH

Khổ Qua - PCH

Đắng khổ qua, chua là chanh giấy Dẫu ngọt cho thế mấy cũng tiếng cam sành

Hồi mới gặp anh, tôi cứ ngỡ rằng anh vẫn còn trẻ lắm ! Sau nhiều lần trò chuyện cùng anh, tôi mới biết rằng tôi nhỏ hơn anh đến những 17 tuổi lận. Tôi muốn gọi anh bằng chú ngay nhưng tôi cứ hỏi anh miết và rồi anh mỉm cười nói với tôi rằng : "Ngà muốn gọi tôi bằng chi cũng được mà ! Miễn răng Ngà đừng kêu tôi là thằng hay bị ngượng miệng là vui lắm rồi !". Cái tiếng "Mà ... " của anh cứ kéo dài thòng làm tôi ngài ngại nói với anh rằng: "Vậy anh cứ gọi tên của Ngà cho thân mật, nhưng với điều kiện là đừng xưng tôi với Ngà há ? ". Anh trả lời tôi bằng cái nháy mắt làm tôi ngượng quá chừng chừng.

Dạo ấy, tôi thấy anh thật vui vẻ, yêu đời. Anh thường ghẹo tôi. Chưa ai ghẹo tôi đến mắc cở như thế cả. Vậy mà tôi phải đỏ mặt, tía tai khi anh phá tôi . Tánh anh rất bộc trực, anh nghĩ sao nói vậy. Nhiều khi tôi thấy anh rất dễ thương - Đó là những lúc anh nịnh tôi. Không ai nịnh tôi bằng anh hết. Cũng có lúc tôi thấy anh thiệt dễ ghét - Đó là những lúc anh sửa lưng tôi !

Anh dạy cho tôi nhiều thứ trên NET, như voice chat, như AIM như MSN. Anh hay hẹn tôi trên net vào những giờ nghỉ trưa, tôi và anh nói đũ thứ chuyện quên cả giờ giấc. Có khi anh giữ tôi lại chuyện trò với anh đến nỗi ông bảo vệ phải đuổi tôi về. Những lần như thế, anh hay :P hoặc ;) tôi. Tôi không hiểu gì về mấy cái dấu hiệu đó. Đôi khi tôi hỏi anh : "wink wink nghĩa là gì vậy há anh ?". Anh tiếp tục "wink wink" và ;) . Tôi xấu hỗ khi được anh giải thích. Từ đó tôi có cái thú mới là đợi anh vào mỗi chiều sau khi anh tan sở. Tôi và anh trò chuyện đến nỗi cơm anh khê, rau luộc bị cháy. Đến nỗi anh chỉ nhai vài củ cà rốt rồi đi ngủ. Nhiều hôm, tôi vừa mới gặp anh, tôi chưa kịp cho anh chào, tôi đã chọc anh : "Hôm nay con thỏ của Ngà có muốn ăn cà rốt không ?". Anh nói: "Ăn riết vàng khè như củ cà rốt luôn rồi nè !".

Anh đã kể cho tôi nghe những chuyện buồn trong đời sống, ngay đến cả chuyện gia đình của anh . Nhiều lúc tôi thấy anh buồn buồn. Tôi tò mò hỏi anh : "Hình như anh đang có chuyện gì không vui hả." . Anh nói : "Ấy là chuyện khó tính thôi, Ngà đừng nên quan tâm làm chi !" . Tôi nói lẫy với anh: "Ngà đâu có quan tâm ! Nếu anh giấu Ngà thì thôi ..." Cái tiếng thì thôi của tôi kéo dài hơn cả trăm ki lô mét ... Vậy là anh khai tuốt luốt, hết trơn hết trọi. Tôi thấy thương cho anh quá ... đến số tuổi nửa đời người của anh mà vẫn còn lận đận.

Và rồi, không hiểu vì sao, tôi lại đem chuyện đau lòng nhất đời tôi, chuyện mà tôi chưa từng chia sẻ cho ai cả, ngay đến bố mẹ và đám em nghịch ngợm của tôi kể cho anh nghe. Anh an ủi tôi, phân tách mọi điều thật chí lý. Vì có anh bên cạnh , tôi đã quên đi rất nhiều về chuyện xưa. Tôi cảm thấy yêu đời, nỗi trống vắng trong tôi đã được lấp vá, những bữa ăn trưa tôi thấy ngon hơn, tôi cặm cụi làm việc thật hăng saỵ Tôi mến anh, và tin tưởng ở anh thật. nhiều. Tôi hay ghẹo anh : "Anh là bác sĩ giỏi nhất ! May mà có anh đời Ngà còn thấy dễ thương ghê ! ". Câu nói đó không ngờ anh đã cho tôi một tình cảm thật đặc biệt, thâm sâu hơn tình bạn, tuyệt vời hơn đến cả tình yêu .

Những đêm sau giờ làm việc, tôi bước vội vàng trong parking lot, tôi chỉ nghe thấy tiếng guốc của chính tôi gõ đều trên nền đá rồi cái điện thoại cầm tay của tôi lại reng lên. Lần nào cũng vậy, anh gọi cho tôi rất đúng lúc. Tôi sung sướng quá đỗi, tôi có cảm giác như anh đang đưa tôi ra đến tận chiếc xe trong Parking vắng lạnh. Có nhiều hôm chưa thấy anh gọi, tôi đã cuống cuồng sợ hãi và tự hỏi: "Anh đâu rồi hả ? Giờ này anh đang làm gì đó ? Xá gì một cú phone há anh ?". Vừa thầm trách anh xong, tôi đang quẹo chiếc xe vào con hẽm gần nhà với những giận hờn vu vơ thì cái điện thoại cầm tay dễ thương của tôi lại vang lên và giọng nói ngọt ngào chầm chậm của anh bên tai tôi : "Em về chưa ?". Tôi dừng xe lại bên lề đường nghe anh nói, nghe anh kể đủ thứ chuyện trong ngày. Tôi thường im lặng lắng nghe anh. Nhiều lúc anh sợ tôi lạnh, anh đuổi tôi về gấp. Tôi năn nỉ anh : "Nói thêm tí nữa đi anh". Anh luôn chiều tôi, vì anh sợ tôi lẫy nên anh cười hề hà nghe dễ thương quá. Sau khi anh chúc tôi một giấc ngủ bình yên, tôi sợ anh sẽ cúp phone một cái rụp, tôi vội vàng nhắc khéo : "Nói gì đi !!!". Anh thì thầm: "Anh Yêu Em !". Tôi hôn anh nhẹ qua ống nói. Những đêm đó tôi ngủ thật ngon, sau một trái táo, ly sữa ấm và cuốn truyện đang đọc bao giờ cũng bị tôi đè dẹp, nhàu nát dưới chiếc mền dày cộm.

Những ngày cuối tuần, có hôm tuyết rơi phủ trên lối về, tôi lại hay làm về muộn, anh vẫn chờ tôi . Có lúc thân xác tôi rã rơì rồi thiếp đi trong cơn buồn ngủ. Nhiều lúc tôi giật mình tỉnh giấc giữa đêm khuya, tôi quơ tay lấy cái điện thoại cầm tay, lục lại những message trong ngày và giọng nói của anh đã thì thầm trong lúc tôi say ngủ : "Good night em !". Tôi mỉm cười mãn nguyện : "Cám ơn anh nhiều nhiều" và tôi ôm chiếc gối bên cạnh theo giấc ngủ thật bình yên ...

Chiều hôm ấy, anh khoe tôi: "Có khổ qua chiên trứng nè !". Tôi liếm môi mấy cái liền : "Đút cho em miếng coi !". Anh Ùmmm tôi một miếng, trong lúc tôi làm bộ nhai, Anh hỏi tôi: "trưa nay mẹ cho Ngà ăn chi ?".Tôi nói: "Mẹ kho cá thu với riềng !". Ăn cơm chiều xong, Anh mời tôi miếng cam, anh nói : "cam sành đấy em !", rồi anh làm bộ "haaaà...". Tôi thì nhõng nhẽo: "Ùmmm ....!". Anh Muahhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh tôi một cái thật dài, tôi hôn lại anh. Rồi hai đứa thi nhau đếm chữ (chữ H phía sau chữ muah). Tôi mắc cở quá gỡ gạc : "Tại anh không bon chen nên mới thua em chớ bộ!". Nói xong tôi đuổi khoéo anh: "Ngà phải đi xuống lầu coi bọn ăn hại làm việc ra sao nè !". Tôi logoff AIM bõ anh ngồi lại phía bên kia một mình.

Còn ba hôm nữa là đến Tết, tôi thấy mẹ làm đũ thứ. Nhìn mẹ gói nem, bánh chưng, tôi nịnh mẹ: "Mẹ nè ... không ai khéo bằng mẹ hết ... ăn ở đâu cũng không bằng nem và bánh chưng của mẹ á !". Mẹ tôi nhíu mày: "Con bé này hay nhỉ ... Tết năm nào bánh chưng cũng lên nấm, nem thì chua lè ... có đứa nào rờ đến đâu !". Tôi cười trừ: "Mẹ làm thêm vài thỏi nem và vài cái bánh há !". Mẹ tôi không trả lời nhưng chiều hôm ấy tôi thấy mọi thứ nhiều hơn mọi năm, mẹ còn gói khéo hơn nữa.

Sáng hôm sau tôi lựa một thỏi nem và một cái bánh chưng cho vào xách tay và vội vàng đến sở làm. Tôi ghé bưu điện gởi cấp tốc cho anh cái hộp quà đầu tiên, và mong rằng anh sẽ nhận đúng ngay giao thừa. Tôi hồi hộp chờ đợi.

Trưa hôm sau, tôi lại ghé bưu điện để kiểm soát hộp thư; tôi ngạc nhiên khi ký nhận một chiếc hộp vuông. Bước ra khỏi bưu điện, tim tôi đập thình thịch, tay tôi run run, chưa bao giờ tôi hồi hộp bằng lần này. Tôi đã từng nhận hoa, quà sinh nhật của người yêu cũ, nhưng chưa bào giờ tôi cảm thấy sung sướng như lần này. Vừa lái xe, tôi vừa mỉm cười vừa tận hưởng một thứ hạnh phúc thật tuyệt vời tôi không tìm mà nó đã đến.

Tôi đưa tay sờ nhẹ tên anh trên chiếc hộp. Thỉnh thoảng tôi liếc nhìn cái hộp rồi tôi lại ôm nó vào lòng và mong sao đến sở thật mau.

Trong hộp gồm có một bao riềng khô, ba con búp bê nhỏ (biết nói khi liệng mạnh trên bàn), và một mảnh giấy vuông với những hàng chữ thật đẹp của anh:

Vĩnh Biệt em nhé ! Anh chúc em thật nhiều may mắn trong đời sống ... và tìm lại được niềm tin trong tình yêu. "Anh Yêu em và mãi mãi sẽ Yêu em ... nhưng tình yêu của mình sẽ chỉ dừng lại ở đây ..."

Hai hạt nước mắt nặng nề rơi xuống trên mặt bàn ... Tôi đưa ngón tay vẽ tên anh với hai giọt nước mắt, thế mà vần còn dư ...

Mến tặng BBV, KDT và P.
NYC, Oct 1 2000

PCH

Hải Đảo Của Yêu - Phóng tác PCH


Ngày xưa, xưa lắm , xưa rồi, trên một hải đảo, lúc mà Buồn, Vui và các cảm nhận khác, kể cả Yêu cũng sống ở trên đó.

Rồi một ngày, khi nghe tuyên bố rằng hải đảo này sẽ bị chìm đắm vào biển sâu, tất cả vội vã đóng thuyền và rời đảo. Chỉ có Yêu là muốn ở lại. Yêu cố giữ cái đặc tính của mình nên Yêu đã chờ cho đến khi hòn đảo gần chìm vào biển sâu thì Yêu mới quyết định nhờ cứu giúp .

Trong lúc Giàu đang chèo ngang với một chiếc thuyền khá lớn, Yêu nói với Giàu : "Giàu ơi! Có thể nào Giàu giúp Yêu được không ?". Giàu lấy cớ: "trên thuyền nhiều vàng quá không còn chỗ để chứa Yêu đâu".

Yêu vừa mở miệng hỏi Kiêu: "Thế Kiêu có thể giúp Yêu được không nhỉ ?". Kiêu nói: "mày ướt nhèm ... rủi làm mục thuyền tao thì chết!".

Buồn là bạn thân nhất của Yêu, nên Yêu gợi ý : "Cho Yêu theo với nhé ?". Buồn lắc đầu: "Yêu nè, Buồn thì luôn luôn có tâm sự riêng, nên Buồn cần phải đi một mình thôi". Lúc ấy Vui đang hí hửng chèo ngang cũng chẳng nghe thấy Yêu đang ơi ới gọi!

Bỗng có một giọng nói rất gần: "Yêu nè ! Lão sẽ cho Yêu ké há ????". Yêu vui mừng quá đổi nên quên mất tên của Lão!"

Khi tất cả đã đến một hải đảo khô ráo khác, Yêu tìm khắp nơi để tạ ơn "Lão" nhưng Yêu không thấy Lão đâu cả. Yêu hỏi quanh hỏi quất rằng có ai biết tên lão là gì không và vì sao Lão lại giúp Yêu thì có một giọng nói say mèm : "Lão tên là Thời Gian đó ! Chỉ có lão Thời Gian mới giúp đựợc Yêu thôi, chỉ có Thời Gian mới hiểu rõ Yêu nhất".

Thành Phố New York, ngày 23 tháng 12 năm 2000
PCH

Tâm Sự bong bóng nước

(Tôi quên mời em sang chơi)
PCH


Năm ấy tôi đến đây đầy hớn hở. Đường xá như mở rộng đón chân tôi. Cây cỏ dường như cũng ve vẩy chào mừng khách tha phương ...

Năm nay, bước xuống khỏi phi cơ, tôi xách chiếc vali đi dọc theo lối cũ. Những tàu dừa không như cất cánh bay trên vòm trời rộng thênh thang như năm trước. Dưới cơn mua phùn, những cánh lá chuối hình cánh quạt trước biệt thự năm nọ cũng sa xuống. Hoa hồng đang nở rộ nhưng không tươi thắm như kia, cũng chẳng phản phất hương xưa?

Tôi đòi thuê cho bằng được căn phòng cũ - căn phòng năm xưa. Người quản lý đưa mắt nhìn tôi với nụ cười như chế riễu, chị xách chùm chìa khóa rồi nháy mắt hất đầu ra hiệu cho tôi theo chị.

Ngồi trong bóng tối, tôi nghe từng hơi thở thật đều của em. những hơi thở thơm nồng ân ái. Tôi lắng nghe tiếng cựa mình thật nhẹ tiếp theo tiếng nói ngái ngủ của em "sao anh chưa đi ngủ". Tôi ho sù sụ, em lẹp xẹp bước ra cho tôi uống thuốc, thứ thuốc ho thiệt mạnh, nó vật tôi đừ người. Tôi quên cả hôn em trước khi nhắm mắt. Em vẫn chờ tôi ... chờ nụ hôn say đắm ...

Tôi xách xe chạy quanh các lối mòn, những lối đi thật quen. Tôi lắng nghe em nói "Coi chừng đi lạc" . Ủa! Tôi đâu có sống trong thành phố này đâu mà em sợ tôi đi lạc nhỉ? Mà có đi lạc chăng nữa cũng đâu có sao. Ở đâu cũng có em. Đi đâu cũng thấy em bên cạnh. Nếu có em bên mình thì tôi còn sợ gì nhỉ? Chả lẽ em chê tôi là "con cù lần núi" ư? Mà có cù lần biển đi nữa thì cũng chả sao hết, miễn được em gọi tôi cù lần là tôi sung sướng lắm rồi!

Chạy quanh phố, tôi thấy đói. Làm sao tôi quên cho đặng những món ăn em thích. Tôi gọi hai bát canh bún nóng hổi. Tôi gắp tất cả những thứ em thích từ bát canh bún của tôi sang bát canh trước mặt. Tôi thì thầm: "em ăn đi!". Tôi chống cằm nhìn chiếc ghế không người. "Ủa người kia đâu rồi?". Tôi mỉm cười nhìn cô chủ quán: "Chắc cô ấy ăn xong rồi". Hình như cô chủ quán đang mắc cỡ hay nghĩ rằng tôi đang ngớ ngẩn (?). Tôi ngớ ngẩn thật rồi đấy! Chưa ăn, tôi lại xách xe chạy quanh phố tìm mua cho bằng được bó hoa hồng. Í! Phải hôn em ba mươi cái mới được! Năm nay em "băm" rồi đó! Phải rồi! Vặt hết ba mươi đóa hồng, từng cánh hoa ngâm vào nước cho em tắm. Tôi lại thì thầm: "Em tắm đi!"...

... Trong khi em tắm, tôi ra cầu thang ngồi hút thuốc trộm. Ủa! lần này em không rầy tôi!? Chắc em không ngửi thấy mùi thuốc lá chăng?

Ô Hay!!! Tôi quên mời em sang chơi năm này...

Mưa vẫn rơi đều, tôi ngồi bó gối nhìn hai chiếc bong bóng nước xúng xính trôi nhè nhẹ dưới mái hiên; cái bong bóng lớn lách mình tránh những sợi nước đang giọt xuống, chiếc bong bóng nhỏ như sợ hãi, như run rẩy trôi chầm chậm bên kia. Tôi mĩm cười nhìn hai chiếc bóng nước cụng vào nhau, xoay tròn, hình như chúng đang hạnh phúc lắm. Khi có được nhau, chúng tung tăng theo giòng nước. Cuối mái hiên nước xoáy mạnh, hai chiếc bong bóng tách rời nhau, chiếc bóng nhỏ trôi mạnh về rãnh nước bên kia, chiếc bong bóng lớn như sợ hãi nép mình vào chiếc lá úa trôi dọc theo rãnh nước bên này. Tiếng tí tách vẫn khua đều trên vũng nước mưa. Tôi nghe âm vang thì thầm, hình như của chính mình hay của chiếc bong bóng lớn: "Cho anh theo với !"


PCH
New Jersey, ngày 1 tháng 7 năm 2001