Viết cho ba ...
Tiếng còi tàu hụ một hồi thật dài . Phục vội vả và hết những hạt cơm cuối cùng vào miệng, thả cái chén với đôi đũa so le vào cái thau nhôm móp méo bên cạnh cái ảng nước sau hè. Một tay vớ lấy cái mũ lát, một tay ráng kéo bao bánh mì còn ấm lên vai, Phục vụt chạy ra ga xe lửa . Vừa đến sân ga, tiếng xe lửa đã bắt đầu xục xạch, Phục cố sức đuổi theo chiếc xe lửa, hổn hển liệng bao bánh mì lên trên xe, có bàn tay ai đó chìa ra, Phục nắm lấy tay người lạ mặt, rồi bung người nhảy lên trên toa xe . Phục cám ơn người lạ mặt và bắt đầu rao:
- Bánh mì ... nóng giòn đây ... !
Sáng nào cũng vậy , rao đến gần trưa thì Phục bán xong cái bao gần cả sáu chục ổ bánh mì . Đôi khi còn lại dăm ba ổ bị xẹp, bể hoặc bị khách chê, nhưng Phục không lo lắm vì mấy đứa em sẽ có cơ hội ăn bánh mì vào buổi chiều.
Cho dầu có bán xong bánh mì hay không đi nữa thì Phục cũng phải xuống xe lửa và lấy một thùng Cà Rem, rồi đợi chuyến xe ngược chiều . Đỡ một cái là Phục khỏi phải lo việc trả lại cái thùng, vì bên cạnh sân ga, gần nhà Phục cũng có cùng hãng Cà rem .
Hôm nay, Phục trễ chuyến xe sáng. Đứng ở đầu sân ga, nhìn vệt khói đen thui và tiếng xục xạch của xe lửa đang lắc lư trên hai con lươn, Phục dậm chân đùi đụi, rồi lủi thủi mang bao bánh rao quanh xóm.
Đang rao, Phục nghe có tiếng quát:
- Đem đây vài ổ !!!
Phục khúm núm trước gã sĩ quan đang ngồi trước hiên, bên cạnh đống gạch .
- Thưa chú cần mấy ổ ạ ?
- Năm ổ !!!
Phục mừng quá, vội xé giấy báo gói bánh, rồi đặt lên đống gạch. Chưa kịp xin tiền, Phục bị một bợp tai như trời giáng kèm theo tiếng mắng :
- Mày ngu thế ... Sao lại đễ bánh lên trên đống gạch !
Nói vậy nhưng gã cũng trả tiền và ôm bánh mì vào trong. Phục lại tiếp tục bán rong quanh xóm... Hôm đó cả nhà lại được dịp ăn bánh mì trừ cơm .
Mùa hạ trôi qua thật nhanh, Phục chưa kịp ngắm lại hàng phượng vĩ trước sân trường, chưa nghe kỹ những con ve kêu lạch cạch như trút hết những hơi thở cuối và để lại hàng me đang trút lá thì Phục đã khăn gói vào đại học, bỏ lại bố mẹ và đám em nheo nhóc. Rồi những bữa cơm trộn ngô khoai xuất hiện trên cái mâm gỗ ... Rồi muối mè , muối đậu phộng thường xuyên hơn ... Phục biết thế nhưng vẫn nhắm mắt cố lấy xong cái Cử nhân .
Phục đi rồi, ông Bảy mới dám lôi chiếc xe gắn máy ra sửa. Ngắm tới ngắm lui và sờ tuí, rồi ông quyết định chỉ cần sửa lại cái yên sau, sơn lại vài bộ phận quan trọng, còn cái máy xe thì vẫn còn tốt. Vậy là đủ để ông hành nghề " xe thồ ", cái nghề ông chưa bao giờ biết đến.
Thế là nghề dạy nghề, hơn nữa bọn trai trẻ có khi cũng nhường cho ông vài chuyến "Thôi nhường cho bác đấy" . Đôi khi ông cũng phải đi sớm về khuya, có lúc mưa lúc gió, ông cũng chẳng ngại mấy. Coi vậy, nhưng ông cũng mua được gạo cho cả gia đình .
Bà Mười bắt đầu cắt chè trong vườn đem ra chợ bán để phụ thêm vào vài chai mắm ... Đôi khi bà cố nhét vài ngàn vào cái con heo đất rồi mỉm cười: "Phục học xong chắc mẹ sẽ đủ tiền mua nhẫn cho mày cưới vợ không chừng" .
Gần tết, ông Bảy cố chạy vài chuyến xa để mua cho mấy đứa con gái vài xấp vải, nên ông thay đổi chổ đứng. Sáng sớm, ông đã đứng trước ga xe lửa , lặn hụp miết, ông mới có khách và người khách đầu tiên là một gã thanh niên, ăn mặc rất bảnh bao, vai đeo một cái túi không lớn lắm song có vẻ nằng nặng ...
Ông Bảy xoa hai bàn tay vào nhau lịch sự hỏi :
- Thưa chú đi đâu ?
- Xuân Thiều !
- Mời chú đi nhé !
Xe bon bon trên Quốc Lộ . Gần cả một giờ sau, cho dầu ông Bảy cố chuyện trò, nhưng khách vẫn ừ ừ, hử hử cho qua loa . Đến một đoạn đường xuyên qua một khu nghĩa địa, gã thanh niên nói lớn :
- Bác rẽ vào con đường mòn trước mặt đi !
Ông Bảy bẻ tay lái vào, đó là con đường đất bột, vắng người . Xa tít vào trong là lũy tre xanh. Bỗng gã thanh niên hét lớn:
- Bác dừng lại đi !
Ông Bảy chỉ kịp nhìn thấy cái búa giáng xuống phía sau ót ông, rồi cảnh vật như chìm vào trong đêm tối ...
Mâm cơm đã dọn lên từ lâu, dưới ngọn đèn đầu, ba đứa con gái đang ngủ gà ngủ gật.
Bà Mười lên tiếng:
- Thôi mấy đứa ăn đi !
Đến khuya, đến sáng, rồi đến trưa, ông Bảy vẫn biệt tăm. Bà Mười sai mấy đứa con gái ra ngã ba ông thường đợi khách, nhưng ai cũng lắc đầu ...
Trưa hôm sau, khi cả nhà đang rên rỉ thì gã công an xã bước vào nhà, vừa đưa tấm căn cước của ông Bảy, vừa ngập ngừng:
- Phải đây là nhà của ông này không ?
- Thưa phải ... Thế ổng đâu rồi ?
Gã công an chậm rãi:
- Ông bị hôn mê ... đang nằm trong phòng cấp cứu !
Bà Mười la lớn "ối giời ơi", rồi bà té nhào trên nền nhà. Ba đứa con gái khóc ré lên ...
Còn vài tuần nữa thì Phục chuẩn bị về ăn tết. Sáng chủ Nhật, trời trong và mát, Phục đang chu mỏ huýt sáo, bỗng có tiếng guốc gõ nhẹ, thật đều trên sàn nhà rồi dừng lại trước phòng trọ và giọng nói có vẻ hí hửng của đứa con gái vang lên:
- Anh có điện tín nè anh Phục ! Họ đem tới hôm qua, nhưng anh đi vắng đó !
Phục bàng hoàng lặp đi, lặp lại hàng chữ "Con về gấp", rồi Phục chăm chăm nhìn đứa con gái như dò hỏi ...
Sáng hôm sau, Phục đến trường xin nghỉ sớm. Ông Giảng viên ra vẻ lo lắng, nhưng cố trấn an :
- Chắc không có gì đáng lo đâu . Cứ về đi ! Ra giêng rồi hẳn tính !
Đã 3 tháng, ông Bảy vẫn vô tâm sự, vẫn nằm đó, vẫn nhắm nghiền đôi mắt. Còn Phục thì sáng mang bao bánh mì trên vai, trưa đeo thùng Cà Rem bên nách. Cái mâm gỗ bây giờ chỉ còn lại những chén "bo bo" . Có lúc Phục phải nướng ốc sên để nhường phần ăn cho lũ em đang lớn. Tất cả đồng nào hai mẹ con kiếm được, chỉ đủ để "chuyền đạm" cho ông Bảy ... Việc học, Phục đành tạm bỏ.
Rồi một hôm, trong bịnh viện, khi vừa khóc vừa nắm tay bố, Phục rên khe khẽ:
- Làm sao bố phải ra nông nỗi này ... hỡi bố ?
Hai giọt nước mắt từ từ chảy dài trên đôi má xanh xao của ông Bảy, rồi ông nhẹ quay đầu sang Phục. Hai cha con ôm nhau khóc nức nở . Ôi ! Ông đã tĩnh lại rồi ... Cho dầu sọ ông đã bị vỡ một phần, nhưng vị Bác sĩ chân thành kia đã đem niềm hy vọng thật lớn đến cho gia đình Phục bằng câu nói đầy tin tưởng:
- Cứ mang bác về đi ... Bác bị động não có thể mất trí nhớ, nhưng nếu tịnh đưỡng sẽ qua ... Còn nằm ở đây thì chỉ vậy thôi ... Chúng tôi đã hết mình với bác rồi !
Theo lời bác sĩ, Phục và hai ông chú thay phiên nhau khiêng ông Bảy trên cái võng bằng vải . Từ bịnh viện về đến nhà cũng gần hết nửa ngày .
Phục đang ngồi chò hõ bên lề đường bơm bánh xe đạp. Bỗng có tiếng xe gắn máy thật đều và rất quen thuộc. Phục đưa mắt nhìn theo chiếc xe, rồi vội phóng theo chiếc gắn máy, nhưng sức người có hạn.
Lại một hôm khác, Phục đang đạp xe trên Quốc lộ, tiếng xe gắn máy quen thuộc này lại nổ đều sau lưng và chầm chậm lướt qua Phục. Không thể nào lầm được, Phục giật mình khi nhận ra cái xe gắn máy và cứ thế Phục phóng theo ...
Trong con hẻm cụt, chiếc xe gắn máy đang dựng trước ngõ một căn nhà ngói . Gã thanh niên biến vào nhà một cách vội vã. Phục do dự một phút, dáo dác nhìn quanh rồi tiến sác lại chiếc xe gắn máy. Vừa nhìn thật kỹ chiếc xe, tim Phục vừa đập thình thịch. Phục uốn cong cái bảng số sau xe , phía trong là cái bảng số cũ ... Phục không thể nào ngờ được nữa . Vừa lúc đó gã thanh niên lại vội vã bước ra, gã không để ý mấy về những chuyện xung quanh gã nên Phục cố nhìn kỹ mặt gã . Gã phóng đi và Phục chậm chạp đạp xe theo ...
Thế rồi chiều nào Phục cũng đến cái ngõ cụt đó và đứng chờ. Mười lần thì đã có năm lần gặp lại chiếc xe và gã thanh niên ấy .
Có lần Phục giả vờ dựng xe đạp gần chiếc xe gắn máy đó và đã xỏ cái chìa khóa còn lại vào ổ khóa của chiếc xe . Rồi lần sau, Phục định hy sinh chiếc xe đạp để ăn cắp lại chiếc xe gắn máy, nhưng bỗng dưng Phục muốn đem vụ này ra ánh sáng, và ngày đó đã đến .
Mất hết hai tuần lễ bán Cà Rem trên xe lửa , hai tuần lễ vác bánh mì rao quanh xóm. Phục đãi một chầu cho hai gã công an quận ... Bố trí hai bữa mới còng được gã thanh niên.
Gã cũng thuộc loại vào tù ra khám rất nhiều lần. Và, gã lại đút lót giỏi hơn tên bán bánh mì buổi sáng, kẹp thùng Cà Rem ban trưa ... Thế là gã được thả về . Cả nhà Phục đều ngậm bồ hòn kêu ngọt ...
Hơn chín tháng ăn rạm đồng, ông Bảy đã khá lên, đi đứng có vẻ ngay ngắn hơn. Tuy thế trí nhớ chỉ trở lại đôi chút và ông quên lửng việc gì đã xảy ra đến với ông .
Vì thương gia đình, Phục lại cuốn gói trở lại đại học. Lạy lục, năn nỉ, đến rơi hết nước mắt, rồi số đông giảng viên mới bốc thăm cho Phục trở lại . Ba năm sau, Phục đậu thủ khoa, được tự chọn trường để dạy, cho dầu trường đại học có ý muốn giữ Phục lại, Phục nhất định phải về quê .
Phục dạy cấp ba trường phổ thông trong thành phố Phục đang sống. Hầu hết học sinh mất căn bản, hay vì nghèo khó không theo kịp bạn bè đã được Phục kèm miễn phí. Do đó các phụ huynh trong vùng, ngay đến các công an trong xã, quận, tỉnh rất mến Phục. Quà cáp Phục không chịu nhận, khoãn đãi Phục cũng từ chối .
Trong một quán cà phê nhỏ, Mình ngồi nghĩ về những chuyện năm xưa. Bỗng có một đứa học trò bước tới trước mặt, lễ phép chào:
- Em chào thầy ạ !
Phục ngạc nhiên nhìn đứa học trò :
- Sao em biết thầy ở đây ?
- Thưa thầy ! Em hỏi bà Cụ đó ?
- Vậy thi vào đại học ra sao ?
- Thưa thầy ! Em đậu cao đó, cũng nhờ thầy kèm !
- Giỏi quá nhỉ ? Vậy em sẽ học đâu ?
- Thưa , Đại học bách khoa ạ !
- Vậy thầy mừng cho em nhé !
Ngập ngừng một phút đứa học trò nhìn Phục:
- Bố mẹ em định làm tiệc để ăn mừng . Em muốn mời thầy đến chung vui với gia đình em, mong thầy nhận lời nhé ?
Trông bộ tịch dễ mến của đứa học trò, Phục đành gật đầu:
- Khi nào vậy ?
- Trưa mai đó thầy !
- Em cho thầy địa chỉ nhà đi ?
- Thầy đừng lo ! Mai có người đến đón !
Đứa học trò cúi đầu chào Phục, cười sung sướng và đi thật nhanh ra khỏi quán ...
Phục đang đứng trước cửa nhà, bỗng có chiếc xe Jeep dừng lại trước ngõ, gã tài xế liệng điếu thuốc đang hút dỡ, tiến vào sân hỏi:
- Có phải thầy Phục đây không ?
- Thưa anh gặp tôi có chuyện gì không vậy ?
- Thưa tôi chỉ theo lệnh của cảnh sát trưởng mời thầy đến gặp ông !
Phục có vẻ lo lắng, không biết chuyện gì đang xảy đến. Đang do dự, bỗng gã tài xế lên tiếng:
- Mời thầy ra xe !
- Tôi có hẹn hôm nay ... Anh có thể nói cho ông ta hoãn lại không ?
- Chắc chuyện này quan trọng lắm, thầy phải lên xe đi ! Nếu không tôi sẽ bị rắc rối lắm !
Phục thấy khó xử, nên đành đi theo gã tài xế.
Trong cái sân rộng, những chậu hoa kiễng đủ màu sắc đang sắp hàng theo lối đi . Vào đến giữa sân, những chậu hoa khác cũng sắp hàng, rẽ thành hai lối khác nhau. Phục mạnh dạn bước theo gã tài xế. Khi họ dừng lại phía sau vườn nhà, một cảnh tượng thật vui vẻ đang xãy ra. Mùi trầm hương pha lẫn mùi hành mỡ khiến Phục như ngạt thở . Hầu hết những kẻ có mặt ở đây là những ông to bà lớn. Phục cảm thấy hơi khó chịu, vừa lúc đó, một đứa con gái trang diện rất sang trọng, với một khuôn mặt khá đẹp nhưng không kém vẻ dịu hiền, nhất là mái tóc đen mượt chạy dài ngang lưng trong chiếc áo dài màu xanh lơ bước tới nhoẻn miệng chào Phục :
- Ngà chào thầy ạ !
Chưa kịp để Phục chào lại, Ngà kéo tay Phục, vừa rẽ đám đông, vừa nói:
- Ngà sợ thầy đổi ý, nên Ngà dặn anh tài xế bắt cóc thầy đó!
Dừng lại trước cái bàn chứa đầy quà cáp, Ngà vừa khoèo tay một người đàn bà trang sức cũng thật đẹp mắt, vừa giới thiệu :
- Mẹ ơi ! Thầy của con nè !!!
Người đàn bà nở một nụ cười thật tươi:
- Dạ, xin chào thầy Phục ... Hôm qua con bé Ngà có nhắc đến tên thầy đó ! Bọn tôi rất hãnh diện được gặp thầy hôm nay !
- Thưa ... bà tử tế quá .. tôi không dám ạ !
- Ngà lấy gì cho thầy uống đi Ngà !
Chưa để mẹ nói hết câu, Ngà đã kéo Phục tiến về phía góc vườn, nơi đây có vài người trung niên đang cười nói thật vui vẻ .
Vừa đến nơi, Ngà nói lớn:
- Thầy Phục nè ba ! Nhờ thầy mà con thi đỗ đó !!!
Khi người đàn ông vừa rút tay ra khỏi túi quần rồi bốn mắt chạm vào nhau ... Phục chợt sờ lên má ... Cái khuôn mặt này, năm ổ bánh mì trên đống gạch ấy và cái bợp tai đau điếng năm xưa, mồn một hiện lên ... Phục mỉm cười chìa tay ra ...
Cái bắt tay thật chặt của Phục làm bố Ngà nhăn mặt. Ông trố mắt nhìn Phục từ đầu tới chân rồi bình tĩnh nói:
- Chú còn bán bánh mì không vậy ?
Nói xong ông cười nhẹ Ngà hết nhìn Phục rồi lại nhìn bố.
Vì bận đón khách, Ngà thả Phục trong đám học trò cũ. Phục đi quanh một vòng, rồi biến mất ...
Mùa thi đã chấm dứt, vài tháng nữa Phục mới bận rộn lại .Năm nay, Phục quyết định sẽ không dạy kèm. Những ngày rảnh rỗi, Phục dắt bố đi ra biển, có lúc vào rừng thưa, vì vậy trí nhớ của ông Bảy đã trở về, hầu như bình phục hẳn. Chuyện năm xưa coi như đã đi vào lảng quên. Cho đến trước mùa xuân nay ấy, ông Bảy có giấy báo tin phải hầu tòa .
Đứng trước quan tòa ông Bảy thuật lại chuyện xưa . Bốn đứa trẻ rong chơi trên con đường đất bột cũng thuật lại chuyện kéo ông ra lộ chính trong lúc ông gần như tắt thở ...
Và hai mươi lăm năm khổ sai, có lẽ cũng đáng giá lắm đối với một tên giết người cướp của như gã thanh niên kia !
Vài hôm sau, Phục và ông Bảy đang sơn sửa lại chiếc xe gắn máy đã được hoàn lại thì Ngà đủng đỉnh vào sân.
Ngà cúi đầu:
- Chào cụ ạ ! Ngà chào thầy Phục !
Chưa kịp chào lại, Ngà nắm tay Phục đi quanh ra sau vườn . Chúm chím cười, Ngà móc ví trao Phục một phong bì. Tim Phục đập thật mạnh, nhìn chăm vào mắt người con gái . Phục chợt thấy mặt mình nóng rang .
Ngà giục:
- Mở ra đi !
Phục trố mắt đọc:
Thầy Phục !
Đưa chuyện của ông Cụ ra ánh sáng không phải là để tôi chuộc lại cái lỗi lớn mà tôi đã làm đối với thầy . Tôi chỉ muốn chứng tỏ cho chính tôi, cho gia đình tôi và nhất là con gái của tôi biết rằng tôi vẫn chưa lạc lối . Ông bà thường nói : "Cha nó lú, chú nó khôn". ở đây có lẽ tôi lú nhưng con gái tôi lại khôn vậy . Mong thầy niệm tình tha thứ nhé !
Phục lay vai Ngà:
- Thế này là thế nào vậy Ngà ?
- Cụ bà đã kể lại cho Ngà nghe hết đó ! Cụ còn cho Ngà ăn đủ thứ mứt nữa ! Tại thầy không thấy đó !
Phục mỉm cười nhìn Ngà với đôi mắt bàng hoàng đầy xúc động. Phục định cám ơn Ngà, nhưng bàn tay thon nhỏ đã bụm miệng Phục. Phục nhắm mắt thả hồn bay theo cơn gió thoảng.
Ngà nắm chặt tay Phục nũng nịu:
- Thầy nhận dạy kèm cho Ngà không ?
Phục ngước nhìn bầu trời trong vắt. Vài cánh én đang lượn quanh. Trên ngọn cây khế đầy bông, con chích chòe chóe lên một tiếng. Hai thầy trò mỉm cười đưa mắt nháy nhau ./.
Đố các bạn Bà cụ đã đập con heo đất chưa?
(Riêng tặng người con gái tên Thảo)
↻
Trở lại Trang Trước
Cập nhập lần cuối cùng lúc 8:30h ngày 31 tháng 1 2012
Phạm Công Hiển
No comments:
Post a Comment