Tuesday, February 21, 2012

Đa số giáo viên ngoại ngữ chưa đạt chuẩn

vnExpress


Nói tiếng Anh bằng giọng Việt, còn kém chuẩn 3, 4 bậc... là những hạn chế của giáo viên ngoại ngữ được các sở GD&ĐT chỉ ra tại hội nghị triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Phụ huynh lúng túng với sách tham khảo tiếng Anh


Lãnh đạo Sở Giáo dục TP HCM cho biết, 11 năm qua, thành phố đã đưa chương trình tiếng Anh tăng cường vào giảng dạy cho học sinh phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12. Tuy nhiên, chất lượng dạy học ngoại ngữ đại trà chưa cao do mục tiêu dạy và học chưa rõ ràng. Đội ngũ giáo viên còn hạn chế, đặc biệt là phương pháp dạy lạc hậu (như học chỉ để đi thi) khiến việc sử dụng ngoại ngữ của học sinh còn thấp.

"Theo kết quả đánh giá của các tổ chức quốc tế như Hội đồng Anh, Trung tâm giáo dục Apollo về trình độ tiếng Anh theo tiêu chuẩn quốc tế của 20 nước được khảo sát thì học sinh Việt Nam xếp thứ 8/20 về khả năng viết và đọc, nhưng lại xếp thứ 18-19/20 về khả năng nghe nói. Chính vì thế việc dạy tiếng Anh trong trường phổ thông cần được quan tâm đặc biệt", lãnh đạo Sở giáo dục TP HCM nói.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương nêu thực tế, dù đội ngũ giáo viên tiếng Anh ở các trường trong tỉnh đã đủ về số lượng, 100% đạt chuẩn về trình độ đào tạo nhưng chất lượng không đồng đều. Ở Hải Dương, số giáo viên tiếng Anh học ở các trường ngoại ngữ chính quy có chất lượng còn ít, phần lớn được đào tạo theo hình thức không chính quy hoặc giáo viên chuyển từ tiếng Nga sang dạy tiếng Anh.

Ông đánh giá năng lực ngoại ngữ và giảng dạy của phần lớn giáo viên còn hạn chế. Thực tế khảo sát ở tỉnh này cho thấy tỷ lệ giáo viên chưa đạt trình độ năng lực theo yêu cầu khá cao, một số nhỏ có trình độ thấp hơn chuẩn 3-4 bậc.

Số lượng học sinh đông khó có thể tiếp thu tốt trong giờ học ngoại ngữ.


"Bên cạnh trình độ ngoại ngữ chưa đáp ứng, nhiều giáo viên còn yếu về phương pháp giảng dạy do ý thức tự bồi dưỡng chưa cao và chưa có cơ hội tham gia các lớp bồi dưỡng của chuyên gia có kinh nghiệm", lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Dương cho hay. .

Giám đốc Sở Giáo dục Quảng Nam Trần Minh Cả cho biết, ở tỉnh giáo viên thiếu nhiều, chất lượng còn chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, số học sinh trong mỗi lớp học còn đông, lại không có điều kiện giao lưu, thực hành. "Giáo viên ngoại ngữ còn nói tiếng Anh theo giọng Việt, người nước ngoài nghe câu hiểu câu không. Vậy thì làm sao học sinh có thể học tốt", ông phân tích.

Ông Cả kiến nghị, Bộ GD&ĐT cần huấn luyện phương pháp giảng dạy đặc thù cho giáo viên mỗi cấp theo hướng rèn luyện kỹ năng, ngôn ngữ. Giờ học ngoại ngữ cũng nên chia nhỏ lớp học ra thành các lớp 16-20 em. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tăng cường nguồn giáo viên bản địa là những tình nguyện viên người nước ngoài và tạo điều kiện cho giáo viên tiếng Anh được đi tu nghiệp 3-6 tháng tại các nước sử dụng tiếng Anh.

Sở Giáo dục Hải Dương cũng đề xuất, Bộ cần hướng dẫn và hỗ trợ kinh phí các cơ sở tham gia dạy thí điểm và dạy chính thức chương trình mới, đảm bảo phải có đủ số lượng và trình độ giáo viên. Bộ cần xây dựng các nguồn tư liệu mở giúp giáo viên tự bồi dưỡng để đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn; đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá môn ngoại ngữ, đảm bảo đánh giá được đầy đủ kiến thức, kỹ năng học sinh đã học trong chương trình.

Tham dự hội nghị, đại diện ĐH Hà Nội cũng cho rằng, để thực hiện tốt đề án dạy và học ngoại ngữ trong nền giáo dục quốc dân cần nâng cao năng lực và phương pháp sư phạm của đội ngũ giáo viên. Bên cạnh đó, cần có chính sách thu hút, khuyến khích những người giỏi làm giảng viên như có học bổng đào tạo nâng cao trình độ tại nước ngoài, tăng thù lao giờ dạy...

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 nhằm chuyển từ việc dạy ngoại ngữ như một môn học sang dạy như một công cụ để sống, làm việc và hội nhập quốc tế, biến ngoại ngữ từ điểm yếu thành điểm mạnh của Việt Nam.

Theo Phó thủ tướng, trong những năm tới cần cố gắng đưa tiếng Anh vào giảng dạy trong các môn học, biến nó thành một công cụ học tập. Ông đề nghị Bộ Giáo dục đẩy mạnh việc giao nhiệm vụ cho các trường ngoại ngữ đào tạo đội ngũ giáo viên cho trường mình và cho các địa phương, hoàn thiện hệ thống ngân hàng câu hỏi thi ngoại ngữ.

Bộ Giáo dục cũng cần làm việc kỹ hơn với các đơn vị cung cấp công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống phần mềm dạy ngoại ngữ trên mạng. Bên cạnh đó, cần có chương trình, cách thức kêu gọi, thu hút giáo viên giỏi, phân bổ cả giáo viên tới các vùng miền. "Tất cả giáo viên dạy ngoại ngữ phải có một lần đi ra nước ngoài một hoặc hai tuần tại các trường có trình độ tương đương xem cách dạy của họ như thế nào để rút ra kinh nghiệm", Phó thủ tướng nói.

Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 với mục tiêu triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học sao cho đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hoá.

Kinh phí dự toán để thực hiện dự án là 9.378 tỷ đồng. Vốn được lấy từ ngân sách nhà nước bố trí trong chương trình mục tiêu quốc gia và dự toán chi thường xuyên hàng năm theo phân cấp quản lý quy định tại Luật Ngân sách hiện hành; các nguồn vốn vay, tài trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Hoàng Thùy

Vài ý kiến Ý của Bạn Đọc

HỌC TIẾNG ANH KHÔNG KHÓ LẮM ĐÂU !

Nhớ lại khi xưa khi xưa khi cón là học sinh ở trường Petrus Ký, thì cũng giống như các bạn trẻ học tiếng Anh bây giờ: chỉ học được văn phạm , nhưng cả thầy và trò đều nói tiếng Anh mà người Mỹ không hiểu được. Khi đi làm việc , tôi đã tự học tiếng Anh là chính , tôi thường xuyên nghe tin tức bằng tiếng Anh trên đài VOA ( Voice Of America ), đọc sách tiếng Anh thật nhiều và theo học một lớp về Cách Phát Âm tiếng Mỹ tại Hội Việt Mỹ. Tôi đi thi và đạt được Chứng Chỉ Thông Thạo Tiếng Anh ( Certificate of proficiency in Englísh) của đại học Michigan năm 1961 . Tôi có nhiều dịp sử dụng tiếng Anh của tôi trong công việc, trong dạy học , và đến khi qua Mỹ năm 1981 , chính cái vốn tiếng Anh của tôi đã giúp tôi tìm việc ở Mỹ dễ dàng . Vị giáo sư trưởng khoa Anh văn đại học Long Beach năm 1983 đã nói là tiếng Anh của tôi hơn tiếng Anh của người Mỹ bình thường, vì cách nói tiếng Anh của tôi rất tự nhiên và cách dùng từ cũng tự nhiên nữa. Khi tôi theo học các lớp đào tạo giáo chức do chính phủ Mỹ tài trợ và trở thành thầy giáo trong biên chế của Califfornia từ năm 1985 đến lúc nghỉ hưu .

Nói tóm lại , học tiếng Anh mà không nói tiếng Anh với người Mỹ , thì miệng mở không ra và khi nói thì Mỹ họ cứ hỏi WHAT WHAT mãi !

Tôi có nghe vài BTV cũa VTV4 nói tiếng Anh , họ nói nghe hiểu được nhưng chưa sướng tai vì vẫn còn " ta " lắm ./.

tuycan | 20/10/2011


Gửi bộ giáo dục và đào tạo

Kính gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo

Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 với mục tiêu triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học sao cho đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hoá... là một dự án không dựa trên thực tế của Việt nam. Hình như Ngài Bộ trưởng và các ngài hoạch định chính sách chỉ học ở Trời Tây chứ không học ở nước Việt nam. Các ngài không hiểu được việc đào tạo giáo viên ngoại ngữ ở nước ta như thế nào? Theo tôi việc đổi mới phải bắt đầu từ chính các trường Đại học đào tạo ra các thầy cô giáo ngoại ngữ tương lai. Ở đấy phải thực sự chuẩn từ đội ngũ giảng dạy đến sinh viên. Nhằm đào tạo ra những thầy cô giáo dạy ngoại ngữ chuẩn trong tương lai. Còn theo như đề án thì chỉ còn cách Ngài Bộ trưởng và các ngài hoạch định đề án trên xuống đứng lớp vì không còn giáo viên dạy ngoại ngữ nữa. Chính sách của chính phủ phải dựa trên thực tế của xã hội chứ không dựa trên ý kiến chủ quan của cá nhân hay một nhóm người phi thực tế nào đó. Chúng ta nên lấy ý kiến từ nhân dân và những người trực tiếp liên quan xem nó ảnh hưởng thế nào trước khi đưa ra thành "Đề án". Bài học cay đắng từ việc thay sách giáo khoa vừa qua vẫn chưa được Bộ Giáo Dục rút ra thành bài học. 70 ngàn tỷ chi ra biên soạn sách giáo khoa mới chưa dùng được mấy năm thì đã phải giảm tải... Tôi nhờ quý toà soạn hỏi Ngài Bộ trưởng và các ngài hoạch định "Đề án" giúp tôi xem họ có thực sự có hiểu biết về những tâm tư, nguyện vọng của những người thầy, cô đang trực tiếp giảng dạy. Nếu Ngài Bộ trưởng và các ngài hoạch định "Đề án" tham khảo ý kiến của các thầy cô đang giảng dạy thì các Đề Án mới thực sự là: Ý Đảng Lòng Dân. Cảm ơn vì đã đọc những dòng tâm sự của tôi.

Cảm ơn Quý Báo
Trần Đức Tâm | 20/10/2011

quá lạc hậu

Giáo viên tiếng Anh hiện nay là quá lạc hậu, trình độ của giáo viên kém so với chuẩn, họ đã được đào tạo dưới nhièu hình thức và văn bằng khác nhau, điều muốn nói ở đây là trình độ của họ so với yêu cầu hiện nay là lạc hậu, mặt khác phương tiện khoa học công nghệ vận dụng vào giảng dạy tiếng anh là không có, tiếng anh chủ yếu là nghe và nói, nghe không được nói không ai hiểu thì sao được. Muốn đạt đến chuẩn chấp nhận được thì người học phải nghe được chính người bản xứ nói nhưng phần lớn các trường, trung tâm giảng dạy tiếng anh không trang bị được phương tiện nghe nhìn bằng tiếng anh. Người học thụ động và không thể đọc, nghe chính xác. Nói chung là ai nói thì người đó hiểu.

Giải pháp: áp dụng Công nghệ khoa học, máy móc, video phương tiện nghe nhìn vào giảng dạy, kiểm tra lại năng lực của giáo viên. Tinh giảm và tuyển chọn người đủ tiêu chuẩn vào giảng dạy. Đưa môn tiếng anh vào môn bắt buộc trong các kỳ thi, dạy môn tiếng Anh ngay từ lớp nhỏ.

Trân trong kính chào!
nguyen trinh | 19/10/2011


Học ngoại ngữ

Thứ nhất quá trình đào tạo giáo viên đã ko đạt chuẩn. Thứ hai với quy chế thi cử như hiện giờ thì chẳng học sinh nào muốn luyện kĩ năng nghe,nói cả. Chỉ cần đọc viết tốt là được rồi. Bộ GD yêu cầu GV đạt chuẩn quốc tế nhưng học sinh có đâu có quan tâm đến môn tiếng Anh, chỉ có văn và toán là quan trọng thôi. Bộ GD yêu cầu GV đạt chuẩn quốc tế nhưng lương có đạt chuẩn quốc tế được ko?
Quynh Lien | 19/10/2011


Giáo viên nói kém

Cần gì phải khảo sát đâu xa, con tôi học tại Hà Nội khi nói tiếng Anh còn bị cô chê phát âm trong khi cháu thi ielts được 6.5. cô thể hiện thái độ trù úm ra mặt và thường xuyên cho điểm thấp. ngay các bạn trong lớp cũng bức xúc thay. tôi đành khuyên cháu thông cảm vì cô mà thế thì không bao giờ khá hơn được. đến bây giờ cháu đã đi du học sau kỳ thi tuyển sinh của Phần Lan. nếu bộ giáo dục không nâng tầm giáo viên thì các thế hệ sau còn tiếp tục bị sai từ é thành nếp rất khó sửa. tôi ủng hộ chương trình khảo sát trình độ giáo viên của Bộ
giang phạm | 19/10/2011


Nên xem lại cách suy nghĩ

- Theo ý kiên riêng của tôi, nếu trình độ giáo viên không đạt thì không nên dạy các em. Tôi đã từng là "chuột bạch", bị phải học 7 năm tiếng anh ở trường phổ thông (thuộc loại khá, điểm trung bình luôn trên 7,5) để rồi kết quả là phải mất 5 năm học lại và luôn bị dính lỗi Vietnamese English không thể sửa được.
Nganld (19/10/2011)


Trở lại Trang Trước

Cập nhập lần cuối cùng lúc 8:30h ngày 31 tháng 1 2012
Phạm Công Hiển



No comments:

Post a Comment