Sunday, February 4, 2018

Sau Cơn Lũ - PCH


Phố Qui Nhơn nằm "co ro" trong tỉnh Bình Định - mực nước sông chỉ dâng lên xấp xỉ chân giường. Anh tỉnh trưởng tỉnh Bình Định cũng "nằm co" chờ cơn lũ chấm dứt.

Mấy cô nấu kẹo mạch nha ở Quảng Ngãi đang "lo" cho vựa mía ngập đầy nước thì bác tỉnh trưởng tỉnh Quảng Nam đang "cãi lộn" với chú thị trưởng của thành phố Đà Nẵng - dù răng đi nữa, "Quảng hay Đà cũng gà một giống" . Hơn nữa "lá lành phải đùm lá rách" chú ơi !

Trong khi các vị "to đầu" đang "co ro", "cãi cọ" và "lo lắng" thì tỉnh lỵ Thừa Thiên "ních" hết cảnh màn trời, chiếu đất !

Đứng trước máy truyền hình trong khách sạn, tôi lẩm bẩm : Quả thật người trung của tôi hay chọc nhau: Quảng Nam hay "cãi" , Quảng Ngãi hay "lo" , Bình Định "năm co" , Thừa Thiên ăn hết" thiệt là chí lý !

~oOo~


Tôi đáp chuyến bay đầu tiên từ Tân Sơn Nhất đến Đà Nẵng vào một buổi sáng mưa còn nặng hạt. Cảnh vật như xìu xìu ển ển đón chân tôi ... Răng rứa hè ? - tôi tự hỏi. Răng là răng ? - Răng mà chuyến thăm nhà của tôi từ Mỹ lần này lại buồn hiu rứa ? - Rứa là tôi đã nghe lại những người xung quanh trong sân bay Đà Nẵng đang than ngắn thở dài về cơn lũ vừa qua ! Rứa là tôi xìu xuống như cái tàu lá chuối gặp mưa, tôi không còn hớn ha hớn hở như tối hôm qua trong cái khách ấm áp nớ. Rồi tôi lo ngại cho gia đình ngay - một đứa em gái ở Qui Nhơn, một đứa lấy chồng ở Quảng Ngãi và họ hàng bên ngoại thì ở Thừa Thiên...

Ngồi sau chiếc xe thồ (xe ôm), tôi miên man hồi tưởng ...



Tết Mậu Thân, cái tết đau thương, đầy nước mắt nhất của miền trung và riêng của Huế... Viên đạn ác ôn không ai nhắm mà lại trúng ngay cái trán của ba tôi; để lại mẹ một bầy con. Rồi mẹ bỏ Huế từ dạo ấy - mẹ sợ luôn cái căn nhà mang dấu vết của ba .



Hồi đó tôi còn đi học, Lan yêu tôi say đắm. Thế rồi vào mùa hè đỏ lửa năm ấy, tôi đã phải bước chân lên chiếc xe nhà binh chở tôi dến trại nhập ngũ, như đứa con gái vừa tròn mười tám đang sắp sửa bước về nhà chồng - bến trong thì nhờ, bến đục ráng mà chịu . Cái chiến tranh tàn bạo nhất mà tôi đã chứng kiến bằng tai nghe mắt thấy trong lịch sử của nước Đại Cồ Việt, nó đã cướp mất tôi khỏi vòng tay thương yêu của mẹ và đôi mắt ngấn lệ của Lan. Rồi từ đó Lan tự nhiên là đứa con nuôi của mẹ tôi - nuôi hay ruột, không quan trọng mấy vì Lan đã thoát cảnh mồ côi sau cái tết năm nào .



Dòng đời cứ trôi nổi như những chiếc đò trên con sông Hương yêu dấu - đó là Lan ! Còn tôi (?) - chiến tranh đã chấm dứt, đẩy tôi ra khỏi những dòng sông bên kia bể Thái Bình; giấu tôi khỏi tầm nhìn của những người yêu dấu; thả tôi trên vùng đất xa lạ, không có lũy tre xanh, không một bóng dừa hoang dại, cũng chẳng nghe thấy tiếng sáo diều trên bầu trời trong vắt; trăng ở đó không vằng vặc, không chạy đua với sóng gợn của sông Hương, không e thẹn lấp mình sau đọt cau cao ngất... Mạ ơi ! Người tình hởi !



Rồi tôi cũng chấp nhận cuộc sống quá dư thừa vật chất ấy trên mãnh đất tạm dung kia ...

Hơn mười lăm năm quằn quại trôi qua, nỗi hoài mong của người viễn xứ trong tôi cũng có ngày được tạm coi như chấm dứt - năm đó tôi đã về thăm mẹ không phải ở Huế, nhưng cũng ở trên cái mãnh đất thân yêu này . Tưởng tôi như một bóng ma, Lan rụt rè rơm rớm nước mắt: Anh Tấn !!! Anh Tấn ... Mạ ơi !

Mẹ ôm tôi như đứa trẻ ... Khóc cười hả dạ rồi mẹ nấu một nồi nước với sả và lá chanh . Lan hụp đầu trên cái thau nhôm để mẹ tôi gội tóc.

Nhìn cái cổ trắng nuột và bộ ngực tròn quay rung rinh sau chiếc áo mỏng, tôi mỉm cười hỏi mẹ:

- Răng lúc mô Lan cũng đẹp rứa mạ hè ?
- Xí ! Vợ con đùm đề ... còn tán hươu tán vượn !
- Tán hồi mô rứa mạ ?

Lan lí nhí:
- Mạ nói rứa đụng chạm ghê nghe mạ !
- Lan của mạ đâu phải vượn mô ?
- Rứa con là hươu răng mạ ?

Tôi im lặng nhìn Lan và mẹ đang thay phiên nhau gội tóc.

Mẹ quay lại hất đầu :
- Tấn ngồi xuống Mạ gội đầu cho !

Tôi ngoan ngoãn như một đứa bé. Lan mỉm cười nhìn tôi với ánh mắt tinh nghịch:

- Gội đầu xong Mạ cho anh Tấn bú miếng sữa nữa mạ hỉ ?

Tôi ngồi trên "chiếc đòn" hụp mặt trên thau, tận hưởng cái hạnh phúc tuyệt vời hiếm có nhất trong mười mấy năm xa nhà; thứ hạnh phúc trọn vẹn nhất mà mạ và người em gái nuôi đã cho tôi ...



~oOo~


Ánh sáng trắng ngà, cây đa trên mặt trăng lại to, chú cuội già lại thật rõ và mấy con cóc cứ nhảy lung tung trong vườn chè sau nhà mẹ Trên hai chiếc võng song song, hai đứa chúng tôi đu đưa theo từng tiếng kẽo kẹt.

Tôi thì thầm hỏi Lan:
- Răng Lan không đi lấy chồng ?

Lan nhìn trăng hỏi lại: - Tấn có phải chú cuội không rứa ?
- Thì đã đành chú cuội ...

Lan cướp lời:
- ... đang ôm một mối mơ phải không Tấn ?
- Nhưng Lan mô phải trẻ hoài ?
- Mặc kệ Lan ! Tấn đừng lo !

Tôi chịu thua; lúc nào tôi cũng thua Lan cả. Tôi vớ lấy cây đàn đã đứt mất một sợi dây, tôi rên rỉ mấy câu:

Tôi có người bạn thân .
Người ấy tên là buồn .
Hai đứa quen nhau từ ngày mới lớn.
Ngày đó buồn còn xa lạ ...
Không hay đến thăm tôi .
Ngày đó còn nhiều mơ mộng ...
Nên tôi cũng không thân.
Cho đến ngày tôi yêu ...
Ngày biết yêu lần đầu .
Ôi những đam mê của thời mới lớn
Tình yêu là trò chơi lạ
Ai có biết thương yêu về sau ...
Từ đó buồn thường hay lại
Hay đến thăm tôi luôn ...
Buồn ở lại ray rứt ...
Lúc mất người yêu ...
Buồn rủ thêm cô đơn đến đây ...
Chơi mỗi chiều ...
Buồn luôn có mặt ...
Mỗi lần ta nghĩ đến em ...
Sợ rằng lần này buồn sẽ ... Ở lại đây ... mãi
(Nhạc Đức Huy)

Bỗng có tiếng mẹ tôi sau giếng:
- Tấn hát chi lạ rứa hè ?

Tôi ngừng hát lắng nghe tiếng gàu đang giục "bùm bùm" rồi tiếng nước tom tỏm rơi vào lòng giếng. Lan khều tôi :
- Tấn hát tiếp đi !

Tôi mỉm cười : - Buồn chết !
- Kệ tía buồn ! Cho buồn đi chơi luôn !
Tôi tiếp tục rên :

Tôi có người bạn thân .
Người ấy tên là buồn .
Hai đứa thân nhau từ ngày mất nước.
Là những người còn lưu lạc ...
Ai không biết đơn côi ...
Ngồi nhắc mãi về chuyện quê nhà
Lâu quá vắng tin vui ...
Ai biết được cuộc sống
Vật chất dư thừa này
Không thiếu những đêm trằn trọc thức giấc
Cuộc sống của người đi đường
Có chắc giữ không anh ...
Hỏi những người còn ở lại
Ai không muốn ra đi ...
Buồn thật là ray rứt
Những tháng ngày tha hương ...
Buồn rủ thêm cô đơn đến đây ...
Chơi rất thường ...
Buồn xin đến trọ
Nói rằng mình đã quá thân ...
Sợ rằng lần này buồn sẽ ... Ở lại đây ... mãi
Sợ rằng lần này buồn sẽ ... Ở lại mãi đây ...
(Nhạc Đức Huy)

Có tiếng thụt thịt. Tôi bỏ đàn xuống:
- Thấy chưa ! Buồn qua ở trọ bên Lan rồi !

Lan vừa bật cười thành tiếng, vừa rị tay tôi:
- Khi mô vợ Tấn mới đẻ ?

Tôi không muốn giấu Lan:
- Tấn không còn có vợ nữa !
- Răng Tấn láo quá rứa hè !

Tôi giơ hai tay khoe với lan:
- Đây nì ! Lan có thấy chi không ?

Lan thò chân đạp đất, hai chiếc võng chạm vào nhau rồi dừng lại .

Lan buồn bã hỏi tôi:
- Răng rứa Tấn ?
- Vợ Tấn không muốn có con !
- Răng lạ rứa ?

Tôi ngập ngừng:
- Đàn bà ở Mỹ chuộng sự nghiệp, yêu nghề hơn chồng con đó Lan !
- Rứa Tấn làm răng ?

Tôi bật cười :
- Khéo chưa ! Kiếm vợ khác chớ răng !

Lan trườn người béo tôi một cái đau điếng. Tội chụp được tay Lan. Rồi tôi nghe hai quả tim đập thình thịch, những hơi thở dồn đập kéo đến, rồi hai vật âm ấm từ ngực Lan chạm vào mặt tôi ...

Hôm tiễn tôi đi , Lan sờ bụng mỉn cười:
- Bảo trọng nghe Tấn !

Rồi Lan chạy vụt vào trong nhà.

Đó là lần cuối tôi gặp lại Lan ...


~oOo~


Chiếc xe ôm vừa dừng lại trước hiên, tôi vừa trả tiền vừa la ơi ới:

- Mạ ơi !!! Lan ơi ... Tấn đây nì !

Một tiếng choảng vang lên từ sau . Bóng mẹ tôi lật đật bước ra từ căn bếp mù mịt khói .

Mẹ nheo mắt:
- Tấn mô ! Tấn mô rứa ?
- Ngô Minh Tấn ... chứ Tấn mô nữa !

Gần mười năm tôi mới về thăm lại mẹ Sau khi mẹ để lại một vết nước trầu đỏ lòm trên trán tôi rồi mẹ bù lu bu loa đủ thứ chuyện, chuyện trên trời, chuyện dưới bể

Mẹ bẹo má tôi:
- Rứa là mạ hết lo cho mi rồi !
- Răng mạ lại lo cho con rứa mạ ?
- Lụt lớn như rứa mà mi cũng về thăm tao !
- Mấy đứa có răng không mạ ?
- Mô có răng, chỉ có con Lan ...

Mẹ dừng nói. Tim tôi như nhảy ra khỏi lồng ngực. Tôi rị tay mẹ mấy lần rồi nước mắt mẹ ứa ra :

- Mạ cũng không biết nơi !
- Răng mạ không biết ?
- Hồi nớ ... Hắn đòi về An Cựu ... Mạ cản hoài mà hắn không chịu nghe .
- Răng tự nhiên Lan đòi đi ?

Thay vì trả lời mẹ tôi tiếp:
- Cả năm sau mạ nhận thư hắn, mạ đòi ra thăm, hắn nói : thôi để con vào thăm mạ, mấy ngày sau hắn vào trên tay bồng thằng Đạt ...

Tôi cắt lời :
- Thằng Đạt ?
- Năm nào hai mạ con hắn cũng về ăn tết rồi lại đi !
- Lan lấy chồng răng mạ không nói cho con nghe ?

Mẹ tôi đánh trống lảng:
- Thôi khi mô rảnh mạ nói hết cho Tấn nghe !


~oOo~


Liên tục mấy ngày, mặt trời cứ thập thò trong những cụm mây . Tôi che mắt vừa nhìn ra phía biển vừa gọi mẹ:

- Mạ ơi mạ !
- Chi rứa Tấn ?
- Con phải đi ra Huế

Ánh mắt mạ chợt sáng trưng:
- Làm răng mà đi đây Tấn ?

Chưa đợi tôi cho ý kiến, Mạ ra sau vườn la lớn:

- Thọ ơi !!! Qua đây cho cô biểu cái ni nì ?

Có tiếng Thọ vọng lại:
- Chi rứa cô ?

Vừa chạy ra sau vườn vừa dáo dát ngó quanh, tôi bắt gặp Thọ đang phạch hàng rào chun vào vườn .

Tôi hét lớn:
- Mạ ơi ! Ăn trộm !

Thọ khua tay nhìn tôi mỉm cười:
- Nghe anh Tấn về hôm qua, mà em lại đi làm về trể...

Tôi cướp lời Thọ :
- Mần ăn ra răng rồi ?
- Kiếm cháo qua ngày thôi anh Tấn ơi!

Vừa vào nhà mẹ tôi ra lệnh ngay:
- Thọ dẫn "Cu Tấn" ra Huế coi thử chị Lan với Thằng Đạt ra răng ?

Thọ ngần ngừ nhìn tôi:
- Để con coi lại hai chiếc xe Honda đã nghe cô ?

Nửa giờ sau, Thọ dựng hai chiếc xe gắn máy có phân khối lớn trước sân nhà mẹ tôi; sau mỗi chiếc kèm theo một bình xăng phụ

Thọ bặm miệng rồi vừa gật đầu vừa nói:
- Nếu mình đi bi chừ thì chiều tối mình lại về đó anh Tấn !

Mẹ tôi nhìn hai đứa:
- Hai đứa mi coi chừng đó !

Tôi trấn an me:
- Đi với thợ máy thì lo chi hè !

Hai đứa tôi ăn vội mấy tô cơm hến của mẹ đã nấu sẵn. Mẹ nhét một chùm bánh ú, một xấp bánh nậm và một phích nước chè nóng vào ba lô của tôi .

Hai chiếc xe rú lên rồi biến mất; bỏ mẹ tôi lại dưới ánh mắt lo ngại .

Ra đến Quốc lộ 1A, chúng tôi chạy song song nhau . Tôi hét lớn trong tiếng gió:

- Thọ biết đừờng rành không rứa?
- Quê nội em mà anh giỡn hoài



Xe vừa đỗ đèo Hải Vân, đường xá có vẻ trở ngại một chút nhưng chúng tôi cũng băng qua được . Đến gần xế thì bọn tôi phải gởi xe lại cho người bà con của Thọ Hai chúng tôi thả bộ trên nhiều đoạn đường lầy lội rồi dừng lại trước một căn nhà ngói có vài lỗ hổng trên mái nhà. Trên hiên nhà đầy rát rưới, đất bùn xám xịt; một đứa bé chừng tám chín tuổi, đang co ro trong chiếc áo tơi, bên cạnh là một cái lồng sắt có năm con chó con đang run rẩy ...

Thọ lên tiếng:
- Phải cháu tên Đạt không rứa ?
- Dạ !

Tôi cỡi cái áo lạnh nhào tới trước mặt Đạt. Giọng tôi hốt hoảng:
- Mạ mô rồi Đạt ?

Thằng bé oà lên khóc, nó vừa ho sù sụ vừa trả lời tôi:
- Mấy ngày rồi ... con không thấy mạ trở lại nữa !
- Rứa mạ đi mô ? Con biết không ?

Đạt vừa khóc vừa lắc đầu . Tôi sợ đôi mắt còn chứa đựng vẻ đau đớn của thằng bé nên tôi không dám hỏi nữa .

Tôi choàng chiếc áo ấm vào Đạt rồi tôi cõng nó đi quanh ra sau vườn nhà. Khung Cảnh ngổn ngang, xiêu vẹo, lầy lội tới ống chân... Tôi vội quay lại trước sân trong khi Thọ thở hổn hển:

- Em hỏi quanh không ai thấy chỉ mô hết !

Nhìn cái cảnh đổ nát tan thương đó, tôi cõng Đạt như đang chạy trốn trên những con đường quanh xóm.

Vừa nhìn năm con chó con trên tay, Thọ vừa đề nghị :
- Chắc mình về hè ? Nếu không trời tối thì khổ thêm !

Tôi hoang mang:
- Bậy quá !

Quả thật, bọn tôi đã gần như kiệt sức. Ra khỏi làng; đến chỗ gởi xe, chúng tôi nói với người bà con của Thọ là Đạt đã vào Nam Ô, nếu gặp Lan nhờ anh nhắn lại .

Sau xe Thọ trong chiếc lồng sắt, năm con chó con đang chui rúc vào nhau dưới mớ lá tơi .

Ăn liên tục mấy cái bánh ú, Đạt bị tôi cột cứng vào lưng, dưới lớp áo mưa . Chiếc xe gắn máy rú lên và tôi rời Huế với tâm trí ngổn ngang, muôn vạn nỗi đau buồn. Với sức ấm của tôi, Đạt chìm vào một cơn ngủ dài .

Tôi thì thầm cho chính tôi nghe:
Đạt ơi ! Cậu sẽ nói răng với Đạt bây chừ ???


~oOo~


Hai chiếc xe gắn máy vừa đỗ đèo Hải Vân tôi thở phào nhẹ nhỏm. Đạt cựa mình bấm tay tôi:

- Cho con đi tiểu ?
- Còn tí nữa là tới nhà, Đạt nín được không rứa ?
- Chắc không nổi nữa mô !

Tôi tấp vào lề, tháo chiếc dây thừng khỏi lưng tôi, Đạt leo nhẹ xuống xe . Bóng Đạt trải dài trên bãi cỏ trước mặt. Tôi vội tắt đèn ...

Im lặng, Đạt nắm cánh tay tôi leo lẹ lên sau lưng, rồi Đạt nói:

- Đừng cột con nữa !
- Bu cứng nghe Đạt !
Thằng bé úp mặt vào lưng tôi và hai chiếc xe rú lên thật đều trong không gian tĩnh mịch. Và, chúng tôi dừng lại trên sân nhà mẹ, nhìn đồng hồ vừa đúng nửa đêm. Thọ vừa cởi cái lồng sắt đưa cho tôi, vừa nói nhỏ:

- Em hơi mệt ! Để em khóa hai chiếc xe lại với nhau ! Mai tính sau !

Tôi cảm ơn Thọ . Tay xách lồng chó, tay nắm Đạt đi quanh lại cửa sau . Đèn bỗng bật sáng; Mẹ tôi che mắt nhìn ra . Đạt ùa vào ôm cứng lấy cổ mẹ tôi. Hai bà cháu khóc ré lên làm mắt tôi cay xé như gặp ớt ...



Tôi mệt lả người . Vừa ngã người trên giường mẹ, tôi đã chết luôn cho đến khi tiếng cục tác của đàn gà mái và những tiếng chim chíp thật êm tai của đám gà con. Tôi mở bừng mắt và tưởng chừng như vừa trải qua một cơn ác mộng ...



~oOo~


Hai bà cháu đang ôm nhau ngủ trên chiếc giường bên cạnh. Tôi rón rén bước ra sân ưỡn ngực ngáp luôn hai cái . Bỗng tôi thấy hai vết chân chống của hai chiếc xe gắn máy trên sân; tôi chạy vội vào đánh thức mẹ:

- Mạ ơi ! Hai cái xe mô rồi mạ !

Đang ngái ngủ, mẹ tôi hỏi:
- Xe ... mô ... !

Trong khi tôi đang hốt hoảng, mẹ nhừa nhựa:
- Thằng Thọ đem về hồi sáng rồi !

Tôi thở phào nhẹ nhỏm. Trong khi mẹ đánh thức Đạt, mẹ nhờ tôi:

- Bưng cái nồi "nước sả" ra sau nhà giùm mạ đi !

Rồi mạ rị thằng Đạt ngồi dậy trên giường; nó dụi mắt nhìn tôi trong lúc tôi khum lưng chờ nó. Tôi cõng nó xuống bếp. Mẹ tôi lẽo đẽo theo sau .

Mẹ pha thêm nước lạnh trong thau lớn rồi tuột quần Đạt tắm gội thằng bé lia lịa . Xong mẹ ra lịnh cho tôi:

- Mi nữa ! Bộ chờ mạ tuột quần răng rứa !

Tôi ngoan ngoãn hơn Đạt ...



Mùi sả và nước ấm làm tôi và Đạt tươi hẳn lại. Tiếp theo một tô bún Huế cay xé môi; tôi bụm tai nhảy lia nhảy lịa . Đạt mỉm cười nhìn tôi . Đó là nụ cười đầu tiên trên khuôn mặt có cái trán hơi dô, cái miệng hơi rộng và đôi mắt quen quen mà tôi đã từng soi mình trong đó - cái đôi mắt rất đẹp; đôi mắt buồn vời vợi; đôi mắt mà tôi không dám nhìn lâu, e rằng tôi sẽ tan biến vào trong đó. Rồi tôi lại sợ đến cả cái nụ cười của Đạt nữa - tôi sợ cái niềm vui của Đạt sẽ tan biến theo nổi buồn đang bắt đầu len lỏi vào tim tôi. Khi nỗi đau đã đến mức tận cùng, tôi nhỏ nhẹ hỏi Đạt:

- Mạ đi mô Đạt có còn nhớ không ?

Đạt sụp mắt xuống, vân vê cái ví của Lan đang đeo trên cổ rồi Đạt từ từ kể cho tôi nghe ...

Bữa nớ ... Trời mưa lớn ... Mưa cả ngày lận, mưa tới chiều luôn ! Mạ đang rửa chén đằng sau hè, còn Đạt đang giỡn với mấy con chó con mới đẻ mới ba bốn ngày chi đó.

Thình lình mạ nói:
- Đạt ơi ! Lụt lớn lắm ! Đạt mang chiếu mền lên trên gác giùm mạ đi !

Con trèo lên gác rồi thả dây xuống, con kéo hết mền mùng lên. Một chặp lâu, mạ mang cái lồng chó lên với một bọc mì gói .

Con hỏi mạ :
- Làm răng mang con chó cái lên ?

Mạ nói:
- Để tí nữa đã !

Lúc đi ngủ, con dòm xuống thấy nước đầy nhà rồi con chó cái sủa hoài . Mạ biểu con thả sợi dây xuống, mạ cột con chó vào rồi mạ với con kéo hắn lên. Lúc gần sáng con mắc tiểu, mạ nói:

- Đái đại xuống nớ đi !

Đang tiểu, con thấy nước lên tới gần sàn gác. Một hồi lâu, trời sáng, nước ngập đến chưn luôn ... Mạ lấy miếng vánca.y hoài mới gỡ ra được mấy tấm ngói . Mạ tròng vô cổ con cái ví của mạ đang gói trong bịch giấy ny-lông mạ nói :

- Chui lên nóc nhà đi !

Ngồi trên nớ, con gỡ thêm ngói ra một lỗ bự rồi mạ chun lên. Mạ đưa con cái áo mưa bọc đầy mì gói rồi mạ kéo mấy con chó con lên nữa ! Nói đến đây đạt bỗng bật khóc thành tiếng.

Tôi nín thở, rung vai Đạt:
- Răng nữa Đạt ?
- Mạ ... kéo con chó cái lên khỏi nóc nhà ... hu hu hu ... mạ ... hu hu hu ...

Tôi hét lớn:
- Mạ răng Đạt ... ?
- Mạ trợt xuống nước với con chó. Con thấy mạ bơi được một đoạn, rồi con không còn thấy mạ nữa ! Còn con chó cái bị nước lôi đi luôn ...



Đạt khóc lớn nhất ! Đến mẹ tôi ... Tôi cũng không cầm được nổi cơn đau tận xương tủy ... Ba chúng tôi ôm nhau trên chiếc ghế dài . Tôi đặt Đạt lên đùi và ôm thằng bé vào lòng mà tim tôi như vỡ ra từng mãnh vụn. Tôi nghiến răng nuốt nỗi đau thương ... Lan ơi ! Còn đâu những ngày xưa thân ái; còn đâu nụ cười và ánh mắt đắm đuối của em ! Nước mắt tôi cứ nhỏ xuống người Đạt; nhỏ xuống như cơn lũ vừa qua ...

Và nước mắt rồi cũng cạn khô, để lại sự trống vắng khó tả trong lòng tôi .

Tôi cúi xuống hỏi Đạt:
- Rứa ba Đạt mô rồi ?
- Mạ nói "Ba Tấn" đi lạc hồi Đạt còn nằm trong bụng mạ !

Tôi giật thót người . Đạt rơi xuống khỏi vòng tay của tôi . Ngửa mặt nhìn thẳng vào mắt tôi rồi thằng bé mở cái ví trên cổ đưa tôi tấm hình và nói:

- Khi mô Bác thấy mạ với "Ba Tấn" của Đạt bác chỉ giùm Đạt đi !

Đó là tấm hình của Lan với tôi chụp hơn hai mươi năm về trước.

Tiếp theo tấm ảnh, Đạt đưa tôi cái giấy khai sanh với mấy hàng chữ:

Họ & Tên: Ngô Tấn Đạt . Cha: Ngô Minh Tấn . Mẹ: Vũ Thị Phương Lan

Nhìn cái trán dô ra , cái miệng hơi rộng của tôi và đôi mắt ươn ướt của Lan trên khuôn mặt khá đẹp của thằng Đạt, tôi như ngất xỉu , mắt tôi hoa lên, chân tay run rẩy . Mơ mơ tỉnh tỉnh ...Tôi loạng choạng chạy vội ra sau vườn, bỏ Đạt và mẹ tôi đứng đó ...



Tôi đứng trong vườn chè nơi mà Lan đã "béo" tôi gần mười năm về trước, tôi thầm thì trong ánh nắng của ban mai: "Rứa là Lan đã thay anh đi lạc rồi !" . Bỗng tiếng Đạt đằng sau lưng tôi:

- Ba Tấn đó phải không ?

Bốn mắt chạm nhau như sức hút cực mạnh của nam châm. Đạt chạy lại ôm chầm lấy tôi . Tôi cõng Đạt vào nhà.

Đạt bấu cổ tôi và hỏi:
- Răng ba đi lạc rứa ?
- Ba không biết nữa !
- Rứa khi mô ba tìm lại mạ ?
- Chắc mạ đi lạc lâu hơn "Ba Tấn" đó Đạt ơi !!!

Dưới chân cha con tôi, năm con chó con đang quấn quít bên nhau .

Sau cơn mưa trời lại sáng (???)

- Hết -

New York, Ngày 30 tháng 11 năm 1999
Tặng tất cả những bà mẹ của đất Thần Kinh.
PCH

No comments:

Post a Comment