Sunday, January 14, 2018

Cảm xúc của kẻ mất làng - OGXT

Nói được tiếng nói của người bản xứ thật ra không phải dễ dàng như tiếng mẹ đẻ của ta. Đây là một giấc mơ không thể làm được - Chả khác nào một anh ngọng đòi làm ca sĩ.

Cứ tưởng tượng một thanh niên muốn thay đổi giọng mình từ tiếng Quảng sang giọng Hà Nội hay ngược lại, ta vẫn có thể nhận ra được sự khác biệt như quê quán của họ chẳng hạn. Nó đòi hỏi một thời gian khá dài để ta tập luyện, nhưng có lẽ đây là điều nằm ngoài khả năng của ta, ngoại trừ những thiên tài có khiếu nhại giọng như danh hài Hoài Linh hay cô Thúy Nga ...

Cách so sánh trên cho ta thấy, hầu hết dân tộc ở Nam Mỹ và các dân tộc Á Châu như Việt, Miên, Lào, Thái khi nói tiếng Anh họ sẽ để lộ ra từ giọng nói đến gốc tích của họ. Những giọng nói này được coi như là đặc trưng tại Mỹ, một giọng nói mới mẻ nhất trong nhiều thập niên qua và nay được xem như chuẩn với các tên như:
English with Vietnamese Accent (Anh ngữ giọng Việt)
Oriental Accent (giọng Á Đông)
Spanish Accent (Giọng Tây Ban Nha)

Những giọng nói trên càng ngày càng phổ biến rộng khắp nơi trên thế giới và người nghe vẫn xem như một khúc nhạc lạ, lâu ngày sẽ thành thói quen của mỗi vùng, như ở thành phố tôi đang ở; đa số người Việt Nam là người Mỹ gốc Quảng Nam.

Có nghĩa là chúng tôi nói tiếng Mỹ bằng giọng Quảng! Hầu như trong phạm vi 15 Miles vuông vức, đi đâu chúng tôi cũng nghe mùi vị Mỳ Quảng - một "MÓN EN ĐẸC TRƯNG" của thành phố chúng tôi. Những thứ mặn mà của hương vị mỳ Quảng dường như vẫn còn bốc mùi trong giọng nẫu của tôi. Nhiều khi tôi phát âm chữ POUND là pôao nửa pô nửa pao thế mà đâm ra giọng nói Việt Kiều của tôi lại chuẩn hơn các anh chàng "chai chẻ" Sè-Gòn hay các chị Hà-Lội ...

Kèm theo những hương vị mới nói ra đã "chẹp chẹp" vài cái, lắm lúc nước miếng cứ tứa ra . Chen lẩn vào những món ăn đượm mùi dân tộc là những giọng nói cũng khá đặc sản, với âm điệu chất phác, mộc mạc của một nhóm dân được tự hào mình là "DÂN NẪU" ... Kệ ! Chúng tôi nhận ra tông tich của nhau qua tiếng nẩu thân yêu đó. Chỉ gặp nhau một lần trong phiên chợ trời nào đấy của một buổi sáng chúa nhật, thế mà chúng tôi đã rị tay nhau về nhà; khoe từ cọng rau, hũ mắm; thậm chí "MI-TAU" với nhau liền.

Như thế đấy! Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng. Tôi thương Xứ Quảng của riêng tôi, thương mấy con trâu ớm nhách, gặm vài bụi cỏ khô trên đường làng rồi, để lại những nắm phân đâu đó. Làm sao tôi tìm được hởi ông trời! Ngôi làng xưa - làng tôi, những câu vè mộc mạc, đã cắm dùi trên đôi vai gầy của những ông già xứ Nẫu như tôi...

Mất làng thật rồi... bình địa rồi... thế mà không ai khóc thương cho số kiếp của những lũy tre xanh, có những chiếc mo nan đập vào nhau xuỵt soạt, ru tôi ngủ vào những buổi trưa hè gió mát, thoang thoảng hương nước sông gợn mùi bùn!

Còn đâu nữa chiềc cầu tre gác ngang trên con rạch, những bóng mát thân yêu của rặng Mù U cuối làng... Những đêm trăng sáng tỏ, nghe giọng hò của các cô gái làng tôi, của những bà mẹ sớm hôm trong mỗi một chiếc quần đen ống cao ống thấp đong đưa chiếc gàu sòng dưới mương lúa xanh tươi... Những tiếng hú dài rủ nhau đi xúc tép của những anh nông dân chân lấm tay bùn; gõ mõ tre inh ỏi khi có trộm ... Vác cuốc cùng nhau chiến đấu khi đập nước vỡ bờ ... Ôi làng quê "nạ" ! Ôi mồ mả ông bà! Con không biết nói răng với làng cho vừa! Bớ làmg xóm, bớ bà con, bớ thiếm Chín, bớ Chú Mười... Bớ ông trưởng thôn Hòa Phú!!! Bớ cây ổi, bớ gốc xoài, bớ giậu mồng tơi ... Bớ bên nớ! Bên tê bờ đại dương có ai còn nhắc đến làng tôi không hử...
Bây giờ, ở nơi này, bạn bè của chúng tôi chỉ còn có nhau qua những câu hát tan nát cõi lòng của người viễn xứ - của các ông già bạn Nẫu chúng tôi ...

OGXT


Trở lại Trang Trước

Cập nhập lần cuối cùng lúc 8:30h ngày 31 tháng 1 2012
Phạm Công Hiển

No comments:

Post a Comment