Những bài ca nói về ngọt ngào của tình yêu hay nhắc đến kỷ niệm. Những bài thơ viết về hạnh phúc cũng thường mang hình ảnh của quá khứ. Những tìm về con đường cũ vết chân xưa. Sân ga thủa nào hẹn hò. Chiều Giáng Sinh lần đầu gặp gỡ. Tất cả là kỷ niệm. Kỷ niệm là hành ảnh ghi lại những yêu dấu đã buông cánh đậu xuống đời mình. Nhưng, cũng có những bài thơ buồn nhắc nhở một dòng nước mắt. Cũng có những nốt nhạc sầu âm vang một dang dở. Những nước mắt, những dang dở cũng là kỷ niệm. Như thế, kỷ niệm là con đường hai chiều: một lối xuôi hạnh phúc, một nẻo ngược đau thương.
Tờ thư cũ. Tấm hình năm xưa. Kỷ niệm và kỷ niệm. Tuổi học trò có kỷ niệm của sân trường. Tình yêu vợ chồng có kỷ niệm của hôn nhân. Kỷ niệm ở khắp nơi. Ai cũng có kỷ niệm. Ai cũng có lúc sống với kỷ niệm. Ðã như thế, nơi nào có con người là có kỷ niệm.
Kỷ niệm không bao giờ nhắc đến con người nhưng con người lại hay nhắc đến kỷ niệm. Chính con người tạo nên kỷ niệm, chứ kỷ niệm không bao giờ hiện hữu độc lập. Mặc dù con người tạo nên kỷ niệm, nhưng sự yếu đuối của con người trước kỷ niệm là khi sinh ra kỷ niệm rồi thì con người lại bị kỷ niệm chi phối. Một khi kỷ niệm ra đời rồi thì khó mà chối bỏ được sự có mặt của chúng. Và kỷ niệm lại có quyền năng không ngờ: con người không giết được kỷ niệm, nhưng kỷ niệm lại có thể giết được con người.
Kỷ niệm là một gạch nối. Kỷ niệm là một lối đi về để tôi có thể đến được với người và người đến với tôi trong không gian xa cách, trong thời gian chảy xuôi. Kỷ niệm là lối đi về, là sự nhắc nhở giữa hai người. Ðã là nhắc nhở thì tùy sợi giây liên hệ ấy thơ mộng hay vụng về, thân ái hay oán trách mà hai người có kỷ niệm đẹp hay đau buồn.
Cái kỳ diệu và cũng là bi đát của con người là con người sống trong hiện tại nhưng lại có thể mơ ước tương lai và kéo cả quá khứ tới. Chính vì thế mà sống hiện tại, nhưng đau nỗi đau của quá khứ và lo nỗi lo của tương lai. Chính cái khả năng vượt thời gian này mà mới có kỷ niệm. Nếu không sống lại được quá khứ thì sẽ không có kỷ niệm. Do đấy, kỷ niệm có thể là hồng ân mà cũng là ngục tù.
Vì khả năng có thể kéo quá khứ tới hiện tại nên người ta có thể đem những kỷ niệm đẹp năm xưa làm hành trang cho hôm nay. Và cũng có thể là ngục tù nếu kỷ niệm đó là những kỷ niệm buồn. Con người không thể chỉ sống hướng tới tương lai. Quá khứ đã làm nên đời họ, luôn luôn nhắc nhở họ. Cánh cửa thời gian vật lý đã đóng kín, nhưng cánh cửa tâm lý của con tim chẳng chịu im lìm. Nó không ồn ào nhưng vẫn thăm thẳm sâu. Khi quay về quá khứ, họ sẽ không sáng tạo được kỷ niệm nữa, mà chỉ nhìn ngắm kỷ niệm và để kỷ niệm tham dự vào đời mình mà thôi. Con người bất lực trước quá khứ. Nhưng quá khứ không hẳn là bất lực trước con người. Chẳng thể lẩn tránh được kỷ niệm thì chỉ còn lối đi đẹp nhất là hãy xây dựng những kỷ niệm đẹp.
Một cánh thư viết thăm mẹ. Một món quà tặng nhau. Một dòng chữ cám ơn thầy, cô dạy cũ. Ðơn sơ nhưng đều là những kỷ niệm hồng có giá trị hạnh phúc dọc theo thời gian của một cõi lòng. Có những kỷ niệm êm đềm cho nhau bóng mát thì cũng có nhiều kỷ niệm đã giết chết bao tâm hồn. Ðưa dằn vặt câm nín đến đời nhau. Hối tiếc phũ phàng. Dọc theo thời gian còn lại của họ là nỗi đắng. Kỷ niệm là những hạt mầm đã gieo xuống hôm nay sẽ trổ sinh ngày mai. Có thể là quả ngọt, có khi là trái đắng.
Khó mà xóa nhòa được kỷ niệm. Nó có thể hằn sâu đời đời. Bởi đó, gieo kỷ niệm đau buồn cho nhau là có thể hành hạ nhau cả một tương lai. Tặng nhau những kỷ niệm đẹp là sắm sẵn cho nhau bóng mát hạnh phúc trong những ngày sắp tới. Vì kỷ niệm có quyền năng như vậy, nên khi trao tặng nhau kỷ niệm, những kỷ niệm đó phải là những kỷ niệm hồng.
Trích trong "Nước Mắt và Hạnh Phúc" - Linh Mục Nguyễn Tầm Thường
No comments:
Post a Comment