Saturday, June 9, 2012

Truyện Trạng Quỳnh

Trạng Quỳnh


Nguyễn Quỳnh (1677–1748) là một danh sĩ thời Lê–Trịnh (vua Lê Hiển Tông), từng đỗ Hương cống nên còn gọi là Cống Quỳnh. Ông nổi tiếng với sự trào lộng, hài hước tạo nên nhiều giai thoại nên trong dân gian vẫn thường gọi ông là Trạng Quỳnh dù ông không đỗ Trạng nguyên.
Ông còn có tên Thưởng, hiệu Ôn Như, thụy Điệp Hiên, quê tại làng Bột Thượng, xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Thân sinh ông là ông Nguyễn Bổng và bà Nguyễn Thị Hương.
Thuở nhỏ, ông học với ông nội và cha (vốn là giám sinh ở Quốc Tử Giám). Năm 1696, Quỳnh thi đỗ Giải nguyên, nhưng đi thi Hội nhiều lần bị hỏng.

Về sau, triều đình bổ nhậm ông làm giáo thụ các huyện Thạch Thất, Phúc Lộc (Sơn Tây), tiếp đến làm huấn đạo phủ Phụng Thiên ở kinh thành Thăng Long. Năm 1718, đỗ khoa Sỹ vọng được bổ làm tri phủ Thái Bình, rồi về làm Viên ngoại lang ở Bộ Lễ; sau bị giáng xuống chức Tu soạn ở Viện Hàn lâm.

Tuy không đỗ cao, Quỳnh vẫn nổi tiếng là người học hành xuất sắc. Đương thời đã có câu: "Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nham, thiên hạ vô tam" (nghĩa là thiên hạ không có người thứ ba giỏi như hai ông).

Sách "Nam Thiên lịch đại tư lược sử" đã nhận xét về ông: "... Nguyễn Quỳnh văn chương nổi tiếng ở đời, nói năng kinh người, thạo quốc âm, giỏi hài hước...".

Tác phẩm còn lại của Nguyễn Quỳnh, gồm một số bài ký, văn tế mẹ, văn khóc em (vốn tài hoa, nhưng chết yều ở tuổi 14) và hai bài phú chép trong tập: "Lịch triều danh phú". Lịch triều danh phú là tuyển tập của các danh sĩ thời bấy giờ, tất cả đều đỗ đại khoa, chỉ có hai người đỗ Hương cống là Nguyễn Quỳnh và Đặng Trần Côn.

Tương truyền ông là bạn thơ của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.

Do tính cách trào phúng nên dân gian thường đồng hóa ông vào nhân vật Trạng Quỳnh - một ông Trạng dân gian nổi tiếng với tính trào lộng.

Để tôn vinh ông, nhà nước Việt Nam đã cho xây dựng nhà lưu niệm Trạng Quỳnh tại quê hương ông.




Bà Chúa Mắc Lỡm

Một bà Chúa nhan sắc mặn mà nhưng tính kiêu ngạo, hễ đi ra chơi phố phường thấy ai trái ý là sai lính bắt liền. Một lần, Quỳnh lững thững đi chơi, gặp kiệu Chúa. Gần đấy có cái ao bèo, Quỳnh vội vàng chạy xuống cầu ao đá nước chơi.

Chúa biết Quỳnh, thấy chơi lẩn thẩn như thế mới hỏi:

- Ông làm gì đó?

Quỳnh ngẩn lên thưa:

- Tôi ở nhà buồn quá, ra "đá bèo" chơi!

Bà Chúa đỏ mặt tía tai, tức lắm nhưng chẳng dám nói gì.

Chúa Liễu mắc lỡm

Lúc Quỳnh còn là học trò nhà nghèo, phải ra đền Sòng xin cấy rẽ. Đền Sòng quê ông là nơi thờ Bà Chúa Liễu nổi tiếng rất linh thiên, không ai là không kinh sợ. Chúa Liễu có nhiều ruộng và bà cũng cho cấy rẽ để lấy lợi. Lần ấy, Quỳnh vào đền khấn mượn đất xong thì khấn quẻ âm dương hỏi Chúa là bà lấy gốc hay lấy ngọn trong vụ thu hoạch tới. Lần đầu Chúa bảo lấy ngọn, thế là vụ ấy Quỳnh trồng khoai lang. Đến khi khoai đã có củ, đào khoai xong, Quỳnh đem hết củ về nhà còn bao nhiêu dây khoai Quỳnh đem để đền bà chúa.

Lần thứ hai, xin âm dương, Chúa đòi lấy gốc để ngọn cho Quỳnh. Mùa ấy Quỳnh liền trồng lúa. Đến mùa gặt, Quỳnh cắt hết bông và đem gốc rạ trả cho Bà Chúa!

Chúa Liễu hai lần bị Quỳnh lừa, tức giận lắm xong đã trót hứa rồi, không biết làm thế nào được. Lần thứ ba, Quỳnh đến xin thì Chúa bảo lấy cả gốc lẫn ngọn, còn khúc giữa cho Quỳnh, Quỳnh giả vờ kêu ca:

- Chị lấy thế em còn gì được nữa !

Khấn đi khấn lại mãi, Chúa nhất định không nghe, Quỳnh về trồng ngô, đến kỳ bẻ ngô bao nhiêu bắp Quỳnh giữ lại, còn ngọn với gốc Quỳnh đem nộp cho Chúa.

Chúa mắc mưu Quỳnh ba lần, đòi lại ruộng, song trong ba vụ ấy, Quỳnh đã kiếm cũng được cái vốn kha khá rồi.

Chúa ngủ ngày

Một buổi trưa, Quỳnh vào hầu Chúa, không thấy Chúa ở cung, hỏi thị vệ, thì ra Chúa đương giấc. Quỳnh không được tiếp, sẵn bút nghiên, đề ngay hai chữ vào tường rồi giở ra về.

Lúc Chúa dậy ra công đường, thấy ở tường có hai chữ "ngọa sơn" nét mực hãy còn ướt, không biết ai đề và cũng không biết nghĩa làm sao, hỏi thị vệ mới hay Quỳnh đề. Đến buổi hầu chiều, đông đủ các quan, Chúa hỏi, không ai tán được, phải triệu Quỳnh đến.
Quỳnh đến, Chủa hỏi . Quỳnh thưa:
- Hai chữ ấy có nghĩa gì sâu sắc đâu, hạ thần cứ lấy nghĩa đen mà viết, không dám có ý tứ gì hiểm hóc cả.
- Cứ cắt nghĩa cho ta nghe, không hề chi mà ngại.
Quỳnh ngập ngừng mãi, mới nói:
- Chữ "ngọa" nghĩa là "nằm", "nằm" hẳn khong ai nằm không, tất phải ngáy, chữ "sơn" nghĩa là "núi", "núi" ắt phải có đèo, vậy hợp hai chữ làm một thì nghĩa là "ngáy đèo".
Cả triều thần ai cũng cười. Chúa cũng bật cười. Tan hầu, các quan trách Quỳnh:
- May mà Chúa rộng lượng, chứ không thì hôm nay ông mất đầu!
Quỳnh cười không nói gì.


Chửi... Vua

Một hôm, Quỳnh cho người ra bảo các hàng thịt là ngày mai Trạng đặt tiệc đãi các quan, cần mỗi hàng bán cho mấy cân, nhưng phải thái sẵn cho đỡ mắc công người nhà. Các hàng thịt mừng rỡ, sáng sớm đã thái thịt để đấy chờ người nhà Trạng đến lấy. Ai ngờ đợi mãi đến trưa mà cũng chẳng thấy ai, họ bèn tới nhà Trạng thì nhà vắng tanh, chẳng có khách khứa gì cả. Hỏi trạng thì Trạng bảo không biết: "Chắc là có đứa nào muốn lõm bà con đấy. Cứ gọi thằng nào bảo thái mà chửi":

Bọn hàng thịt tức mình về cứ gọi thằng bảo thái mà chửi:

- Tiên sư thằng "Bảo thái"! Tiên sư thằng "Bảo thái".

Bảo Thái là niên hiệu nhà vua. Thành thử vua bị dân hàng thịt chửi một bữa inh cả phố. Đương nhiên ai cũng biết cái chuyện xỏ xiên này chỉ có Trạng Quỳnh mới nghĩ ra được nhưng cũng đành làm thinh vì biết lấy bằng cớ gì mà bắt tội Quỳnh?

Cây nhà lá vườn

Quỳnh nhiều lần dùng trí thông minh, tài đối đáp để trêu chọc chúa Trịnh, nên trước chúa quý trọng bao nhiêu thì sau lại ghét bấy nhiêu. Chúa càng ghét, Quỳnh càng trêu tợn.

Một lần, chúa sai lính tới kéo đổ nhà Quỳnh. Thấy lính đến Quỳnh bảo:

- Chúa sai các anh đến kéo đổ nhà ta, các anh cứ làm, nhưng không được reo, cười, ai mà reo cười ta cắt lưỡi.

Ở đời, hễ kéo nặng thì phải reo hò, không dô ta, hò khoan sao mà kéo nổi? Bọn lính
đành chịu thua về trình báo lại. Lần khác chúa sai bọn lính đến ỉa vào vườn nhà Quỳnh, Quỳnh thản nhiên cầm dao ra bảo:

- Chúa sai các anh đến ỉa thì cứ ỉa nhưng ta cấm đái. Thằng nào đái thì dao đây, ta cắt.... Ngay!

Ỉa ai không đái bao giờ?

Bọn lính lại phải về tâu lại. Chúa truyền cho chúng mang gáo dừa theo và đái vào đó. Quỳnh đành chịu thua nhưng vẫn nghĩ cách chơi lại chúa. Một tháng sau, Quỳnh ra chợ, thấy người ta bán cải tốt, liền mua thật nhiều về, mang lên biếu chúa. Chúa thấy cải ngon, sai đầu bếp nấu canh, và quên chuyện cũ liền hỏi Quỳnh cải đâu mà ngon vậy. Quỳnh thưa ngay:

- Dạ, đó là cải nhà trồng. Trước nó không tốt lắm nhưng từ khi chúa sai lính "Bón phân" vườn nhà thần, nên nó tốt tươi như vật. Cây nhà lá vườn thôi, thần mới dám dâng cho chúa xơi!


Cúng thần Hoàng

Lần khác, vợ Quỳnh ốm, thuốc thang chữa mãi không khỏi, xem bói, thì ra không phải tại Chúa Liễu mà do động Thành Hoàng bản thổ. Quỳnh ra đình khấn vái, xin Thành Hoàng cho khỏi, sẽ sửa gà lễ tạ. Khấn xong, về đến nhà thì vợ đã khỏi rồi. Bà vợ giục làm gà lễ tạ, Quỳnh bảo:

- Được, nhà không có gà ta có cái khác để lễ tạ rồi. Rồi Quỳnh vào ổ gà, thủ hai quả trứng, đem luộc. Người nhà tưởng luộc để đánh gió. Một lúc, Quỳnh khăn áo chững chạc, cầm cái đĩa và hai quả trứng đi. Người nhà lấy làm lạ, đi theo xem, thì thấy Quỳnh vào đình để đĩa trứng lên hương án rồi đứng đọc bài văn tế nôm rằng:

Chú là kẻ cả trong làng,
Ta là người sang trong nước,
Đôi bên chức tước chả kém gì nhau.
Vì trẻ nó đau, phải ra khấn vái.
Phiên chợ thì trái, không mua được gì.
Nhà có con ri nó vừa nhảy ổ,
Bắt ra mà mổ, nghĩ cũng thương tình,
Chú có anh linh, xơi hai trứng vậy.


Khấn xong, chẳng lễ, chẳng vái gì trở ra về nói với vợ là yên tâm dưỡng cho thật lành bệnh bởi Thần hoàng đã nhận lễ mà bằng lòng rồi.


Dê đực chửa

Tiếng tăm về một thần đồng nhanh chóng được truyền tụng khắp nơi, ngày càng lan rộng và đến tận kinh đô. Nhà vua muốn biết hư thực ra sao, nhưng là người chuộng nhân tài, sau khi suy nghĩ, vua bèn ban lệnh: Cả phủ Thanh Hóa, mỗi làng phải đem nộp một con dê đực đang chửa. Sau hai tháng, nếu làng nào không có sẽ bị trị tội. Cái lệnh chéo ngoe ấy tất nhiên làm dân chúng phủ Thanh Hóa shốt hoảng sợ hãi. Cả làng Quỳnh ở, ai cũng nhớn nhác lo âu. Tìm đâu ra dê đực chửa? Mà từ xưa đến giờ đã nghe ai nói cái chuyện lạ lùng ấy đâu! Thế nhưng, khi biết chuyện đó, Quỳnh nói với bố:

- Chuyện gì chớ chuyện này xin bố đừng lo. Bố cứ bảo dân làng chuẩn bị cho con một trăm quan tiền và gạo ăn đường, con sẽ kiếm được dê đực chửa cho làng. Nghe Quỳnh nói vậy, ông bố không tin, nhưng cũng thưa lại vơi dân làng. Người tin kẻ nghi nhưng không còn có cách nào khác, mọi người đành làm theo yêu cầu của Quỳnh. Sáng hôm sau, hai cha con Quỳnh lên đường. Họ đến kinh đô khi nhà vua có việc đi qua cửa Đông. Quỳnh nép xuống cống sát vệ đường chờ. Khi xa giá nhà vua đến gần, Quỳnh khóc rống lên. Nghe tiếng khóc có vẻ lạ, vua sai lính lôi đứa trẻ đang khóc lên hỏi nguyên do. Quỳnh vờ như không biết đấy là vua, càng gào to, kể lể:

- Mẹ tôi đã chết mấy năm nay, tôi nói mãi mà bố tôi không chịu đẻ em bé cho tôi bế...

Vua nghe nói câu ấy, bật cười bảo rằng:

- Ôi chao quả là một thằng bé đần độn. Ba mày là đàn ông mà đẻ làm sao được?

Chỉ đợi cho vua nói vậy, Quỳnh liền nín ngay, rồi đứng chắp hai tay lại, nói thật trang nghiêm:

- Thưa ông, vậy mà nhà vua bắt dân làng tôi phải nộp dê đực chửa!

Nghe nói vậy, nhà vua giật mình, biết ngay đây là đứa bé thần đồng mà bấy lâu mình vẫn nghe đồn.


Dòm Nhà Quan Bảng

Tương truyền rằng Quỳnh sinh cùng thời với nữ sĩ nổi tiếng, người đã dịch Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn ra thơ Nôm là Đoàn Thị Điểm.

Ngày ấy, Quỳnh đã thành niên, nhà quan Bảng sinh ra thị Điểm, dạy học trò đông lắm. Quỳnh ngày ngày giả vờ đến xem bình văn, để ngấp nghé cô Điểm. Học trò biết ý, vào thưa với quan Bảng, ngài liền cho bắt vào hỏi:

- Anh kia, anh muốn gì mà cứ thậm thò thậm thụt vào ra nơi đây?

Quỳnh thưa:

- Tôi là học trò, thấy trường quan lớn bình văn, tôi đến nghe trộm.

Quan Bảng nói:

- Ta biết rồi, anh đừng giả danh học trò mà bắt chước tuồng chim chuột. Có phải học trò thì ta ra cho một câu đối, không đối được thì đánh đòn!

Quỳnh vâng.

Quan Bảng ra một câu:

- "Thằng quỷ ôm cái dấu đứng cửa khôi nguyên."

Quỳnh ứng khẩu đối ngay:

- "Con mộc dựa cây bàng dòm nhà Bảng nhãn."

Quan Bảng ngạc nhiên vô cùng. Câu đối phải nói vào loại "Hóc" thế mà Quỳnh đọc ngay không cần nghĩ ngợi gì chứng tỏ phải là người thông minh xuất chúng. Ông có bụng yêu, bèn giữ Quỳnh lại nuôi cho ăn học. Từ ngày đó, như rồng gặp mây, Quỳnh học tấn tới lắm, kỳ nào văn cũng được đọc mẫu. Từ ngày trường quan Bảng có Quỳnh, bao nhiêu học trò danh sĩ đều phải nhận Quỳnh là tài giỏi hơn cả.

Quan Bảng thấy Quỳnh học giỏi, có ý muốn gả cô Điểm cho, mà cô Điểm nghe cũng thuận.

Quỳnh biết rằng cô Điểm chắc vào tay mình rồi, thỏa được ước nguyền, song tính tinh nghịch, cứ đùa cợt luôn. Cô Điểm đứng đắn, thùy mị lại không ưa kiểu chớt nhả, Quỳnh lại càng ghẹo dai. Chính vì vậy mới có những cuộc đối đáp lý thú về sau này...


Hút Chết Vì Quả Đào

Quỳnh rất cậy tài, đùa cả, không từ ai. Một hôm, túc trực trong cung, có người đem dâng vua một mâm đào, gọi là "đào trường thọ". Quỳnh thủng thỉnh lại gần, lấy một quả, ngồi ăn, giữa đông đủ mặt vua quan, mà làm như không thấy ai cả. Vua quở, giao xuống cho các quan nghị tội. Các quan chiếu theo luật "Mạn quân" tâu nghị trảm. Quỳnh quỳ xuống tâu rằng:

- Đình thần nghị tội hạ thần như vậy, thật là đúng luật, không oan, song xin Hoàng thượng rộng dung cho hạ thần được nói vài lời rồi chết cho thỏa !

Vua phán:

- Ừ, muốn nói gì cho nói!

- Muôn tâu bệ hạ, hạ thần có bụng tham sinh, sợ số chết non thấy quả gọi là quả "Trường thọ" thèm quá, tưởng ăn vào được sống lâu như Bành Tổ, để được thờ nhà vua cho tận trung. Không ngờ nuốt chưa khỏi mồm mà chết đã đến cổ! Hạ thần trộm nghĩ nên đặt tên quả ấy là quả "đoản thọ" thì phải hơn, và xin nhà vua trị tội đứa dâng đào để trừ kẻ xu nịnh.

Vua nghe Quỳnh tâu phải, bật cười tha tội cho.

Làm thơ xin ăn

Tại một làng thuộc tỉnh nọ có tên địa chủ giầu có nứt vách, lại nổi tiếng gian ác và hay hà hiếp dân lành. Hắn có cô con gái tuy đẹp nhưng cũng nổi tiếng không kém cha về cái thói chua ngoa đanh đá. Cô gái này thường thay cha ra đồ nam đốc thúc kẻ làm thuê.

Một hôm, cô ta đang đứng trên bờ ruộng, tay chống nạnh, đầu có nón quai thao, quan sát các nông dân làm thuê gặt lúa thì có một chàng thiếu niên dáng vẻ nho sinh đi ngang qua. Nho sinh thấy cảnh đó liền dừng lại hỏi thăm một bác nông dân về cô gái kia. Bác nông dân bảo cô ta là con gái của chủ ruộng, ngày nào cũng ra đứng đây để mà đôn đốc việc đồng áng, nói là thế nhưng thật ra ai làm lụng chậm chạp một tí là cô ta ngoác miệng ra chửi chẳng tiếc lời. Có lắm người tuy đói nhưng ráng chịu chứ không làm thuê cho cô ta để khỏi bị nhục.

Nghe kể xong, chàng thiếu niên liền tiến đến gần bờ ruộng nơi cô kia đang đứng. Thiếu niên bảo cô nàng mình là học trò lỡ độ đường, nhịn đói đã hai ba bữa nay, xin cô gia ân bố thí cho ít lúa thổi cơm.

Thấy chàng trai khôi ngô khoẻ mạnh lại đi xin ăn, cô gái nguýt dài và bảo:

- Này, cô bảo cho biết, của đâu mà lấy không của người ta hả, nếu đúng học trò thì ứng khẩu xuất thi cho cô nghe lọt lỗ tai đã, bằng không thì cứ thẳng đường mà xéo!

Chàng thiếu niên kia nhận lời ngay và xin cô gái ra chủ đề cho mình làm thơ. Cô kia bảo:

- Đã ăn xin còn vẽ chuyện, cứ làm thơ xin ăn là hợp nhất chứ còn đề điếc gì nữa!

Chàng trai suy nghĩ trong thoáng chốc rồi đọc to:

Tuyên Quang, Hoằng Hoá cũng thờ vua.
Nắng cực cho nên phải mất mùa
Lại đứng đầu bờ xin xỏ chị.
Chị lỡ lòng nào chị chẳng cho.

Nghe xong bốn câu thơ ấy, cô gái đỏ gần cả mặt, ngượng quá không còn biết nói năng gì nữa cả, vội vội vàng vàng lấy lúa đưa cho chàng trai kia. Chàng kia chẳng thèm cám ơn, đi thẳng một mạch trong tiếng cười khúc khích của các người làm ruộng thuê.

Về sau, người ta biết ra chàng trai ấy chính là Trạng Quỳnh. Còn phần cô gái thì sao? Cô ta mất hẳn cái thói đanh đá chanh chua, mà cũng từ hôm ấy, không thấy cô ra đồng đứng chống nạnh như trước nữa.

Lễ tế sao

Chúa Trịnh lâm bệnh ngày một nặng. Lúc đầu cớm nắng, cớm gió, dần dần nửa tỉnh, nửa mê, tâm thần hoảng loạn. Chứng bệnh nhà chúa thật tai ác. Mỗi ngày lên cơn năm bảy bận. Mỗi bận lại bắt bọn quan lại đem một người đàn bà đẹp vào cung cấm, lột trần truồng trước mặt chúa, để chúa cào cấu, cắn xé... Có như thế con bệnh mới chóng lui. Nhiều thiếu nữ đã chết oan uổng, hoặc chịu mang thương tích suốt đời, Quỳnh biết chuyện này, hết sức phẫn nộ. Quỳnh tự nhủ không để tình cảnh ấy kéo dài, bèn lập mẹo trị bệnh chúa...

Có tin bắn đến tai bà chính cung: Chỉ có Trạng Quỳnh mới chữa khỏi căn bệnh hiểm nghèo kia của chúa.

Bà chính cung tức tốc cho vời Trạng đến:

- Tính mệnh của chúa như ngàn cân treo sợi tóc. Ta dùng đủ tay ngự y danh tiếng, đã lễ cầu các vị tiên liệt ở nhà thái miếu và các đấng thần. Phật tối linh khắp miếu xa, miếu gần mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Bây giờ chỉ còn trong cậy vào Trạng.

Quỳnh vào thăm bệnh chúa, lúc trở ra, làm bộ lo lắng tâu với chính cung:

- Tâu lệnh bà, đúng như lời người dạy, sự sống của đức ngài chỉ còn le lói trong muôn một. Tiếc là lệnh bà cho gọi thần hơi muộn. Nhưng còn nước còn tát, thần xin dốc sức vì chúa một phen. Thần chẳng cần tiền bạc, danh vọng gì, chỉ thỉnh cầu lệnh bà chuẩn y cho mấy điều.

Quỳnh ra hiệu để chính cung đuổi hết quan thị và bọn hầu cận đi khỏi, mới nói tiếp:

- Biết sắp vào chầu Đức bà và thăm nhà chúa, đêm qua thần đã tắm gội sạch sẽ, vào cầu mộng ở đền Trấn Vũ.

Chính cung vội hỏi:

- Đức thánh ngài dạy sao?

- Thần cầu mộng lúc giờ tí đến giờ sửu ứng mộng ngay. Đức thánh truyền cho thần biết, muốn cứu nhà chúa, trước hết phải làm hai việc. Đức bà phải tha hết những con gái nhà lành và tất cả những người đàn bà khác đang bị giam giữ ở các nơi trong phủ chúa để đợi đưa tiếp vào cung tiến. Đức bà phải lập một đàn sao giữa trời đất để thần làm lễ tế sao. Trong bảy ngày đêm liền, thánh truyền phải dùng dây lụa buộc chặt nhà chúa vào sập rồng. Ngoài chính cung lệnh bà và kẻ hạ thần với hai tên hầu cận, tịnh không một ai được đến gần đức ngài.

Bà chính cung ngẫm nghĩ một lát rồi chấp thuận. Ngay hôm sau, mọi việc bắt đầu. Quỳnh đứng ra làm lễ tế sao. Đêm đến, trên dàn cao, bà chính cung và các hàng quan văn võ đại thần mặc lễ phục, hai tay dâng hương, quỳ mọp gối chung quanh chủ tế. Quỳnh tay cầm nghi trượng, tay "Bắt quyết", mồm luôn đọc bài văn tế sao:

- Ô hô Ngàn sao! Sao Loan, sao Mệ! Sao Dập, sao Dung! Sao Ú, sao Ngang! Sao Bao, Sao Hạn, Sao Tai! Mau cút lên trời! Chúa tôi khỏi bệnh! Ô hô cút mau!...

Sau mỗi lần đọc, Quỳnh lại bắt mọi người đồng loạt nhắc lại.

Thật kỳ lạ, chỉ tế sao trong vài đêm, bệnh chúa lui trông thấy. Đến ngày thứ năm, chúa van vỉ kêu rên như một phạm nhân xin giảm tội: "Ta hết cơn rồi. Các người mau cởi trói cho ta!" Quỳnh nghiêm giọng, đe nạt:

- Tuỳ chúa đấy thôi! Nếu chúa nóng lòng, không chịu phép đủ kỳ hạn, sau này thánh quở phạt, đừng trách cứ vào Trạng. Nhà chúa đành nghe theo. Sau bảy ngày đêm, chúa gần khỏi, người tỉnh táo, ăn ngon miệng. Chính cung cả mừng, mở tiệc khoản đãi Trạng. Trong thành, ngoài cõi đồn dậy lên:

"Trạng Quỳnh có thuật tế sao vô cùng mầu nhiệm!" Các quan chiêm tinh đọc bao nhiêu sách chưa hề thấy có những vì sao lạ như vậy, lục tục kéo nhau đến khẩn khoản xin cầu Trạng truyền cho bí quyết, Trạng nói:

- Tôi không phải thầy cúng, cũng không phải thầy lang. Chẳng qua nhà Chúa từ lâu đã mắc chứng ham mê tửu sắc, ăn, uống, thức, ngủ vô điều độ. Các ngự y đến xem mạch lại đua nhau bốc thuốc bổ thận, bổ dương, càng đẩy con bệnh đến chỗ cường dục, loạn tâm, loạn trí. Tôi bày mẹo cầu mộng là cố mượn uy thần thánh bắt nhà chúa nằm bất động, kiêng khem mọi thứ, cho thể trạng trong người bình thường lại. Còn bài văn tế kia cũng chẳng có gì bí truyền cả. Cứ đọc ngược, khắc rõ nghĩa. Tôi xin tế lại các ngài nghe.

- Ô hô! Ngàn sao! Sao Loan, sao Mê là sao Mê, sao Loạn, sao Dập, sao Dung là sao Dục, sao Dâm, sao Ú, sao Ngang là sao Ác sao Ngu... Các chiêm tinh nghe Trạng kể như vậy đều cười bò cười lăn.

- Các ngài thừa hiểu một khi các thứ sao xấu, sao độc kia không còn ám ảnh nhà chúa nữa, đã "Cút lên trời" thì nhà chúa hết bệnh chứ còn gì nữa. Họ phục Trạng vừa giàu trí thông minh, vừa giàu lòng nhân ái, xứng danh là "Ngôi sao sáng xứ Thanh".


Lỡm Quan Thị

Có một ông quan thị đại nịnh thần, được chúa Trịnh yêu lắm. Ôss;ng ta thường đến chơi nhà Quỳnh, thấy sách thì cũng mượn xem, mà ít khi trả. Quỳnh ghét cay ghét đắng, định chơi xỏ một trận cho chừa. Quỳnh bèn lấy giấy trắng đóng thành quyển sách để sẵn. Một hôm. Thấy bóng quan thị đằng xa, Quỳnh giả vờ cầm sách xem, đợi khi ông ta đến nơi thì giấu đi. Quan thị thấy Quỳnh giấu, ngỡ là sách lạ, đòi xem, Quỳnh bảo:

- Sách nhảm có gì mà xem.

Quan thị năn nỉ mãi cũng không được, về tâu với chúa. Chúa đòi Quỳnh sang hỏi, Quỳnh đoán chắc là đòi về chuyện quyển sách, mới lấy bút viết mấy câu vào sách bỏ vào tráp khoá lại, rồi sang hầu. Quả nhiên như thế. Quỳnh tâu:

- Không có sách gì lạ, chắc thị thần tâu man với Chúa đó.

Chúa thấy Quỳnh chối, lại càng tin là Quỳnh có sách lạ, bắt phải đem trình. Quỳnh sai người về đem tráp sang, mở ra, chỉ thấy có một quyển sách mỏng, Quỳnh rụt rè không dám đưa. Chúa bảo:

- Cứ đưa ra. Chúa mở ra xem chỉ thấy có mấy câu:

- "Chúa vị thị thần viết: Vi cốt tứ dịch, vi cốt tứ dịch. Thị thần quy nhị tấu viết: Thần phùng chỉ phát, thần phùng chỉ phát".

Chúa ngẫm nghĩ đi lại không biết nghĩa ra làm sao, bảo Quỳnh cắt nghĩa thì Quỳnh rụt rè tâu:

- Sách ấy là sách nhảm nhí của tiểu thần chỉ xem khi buồn, sợ cắt nghĩa ra, rác tai chúa!

Chúa nhất định không nghe, bắt Quỳnh cắt nghĩa cho được.

Quỳnh vâng lệnh tâu với chúa, câu ấy nghĩa là: " chúa hỏi thị thần rằng:

Làm xương cho sáo, làm xương cho sáo, thì thần quỳ mà tâu rằng: Tôi may ngón tóc, tôi may ngón tóc"

Quỳnh cắt nghĩa, nhưng chúa cũng chưa hiểu ra lại hỏi:

- Đã đành nghĩa đen là thế, nhưng mà ý tứ thế nào?

Quỳnh tủm tỉm không dám nói. Chúa và quan thị đứng hầu bên càng gặng hỏi.

Quỳnh mới tâu:

- Xin chúa đọc đảo ngược lại thì ra nghĩa, nhưng mà tục lắm. Bấy giờ chúa với quan thị mới biết Quỳnh lõm, bảo Quỳnh mang sách về.

Quỳnh ra, quan thị chạy theo trách Quỳnh nhạo cả chúa, thực là vô phụ, vô quân. Quỳnh đáp lại:

- Ngài nói tôi vô phụ, vô quân thì bọn thập trường thị đời Hậu Hán là gì? Tôi đã giấu mà ngài cứ nịnh để đòi ra cho được thì lỗi tại ai?

Quan thị tịt mất.

Miệng kẻ sang

Bấy giờ Quỳnh đã hơi lớn, đang độ thiếu niên. Trên đường từ phủ về khát quá, Quỳnh vào một quán nước bên đường. Trong quán có một viên quan, dáng oai vệ, đang ngồi nhai trầu bỏm bẻm. Cạnh đó, có một lính vệ đứng hầu. Quan nhai xong, hách dịch vứt miếng bã trầu ra đất.

Quỳnh đang ngồi uống nước, thấy ngứa mắt liền bước lại cuối nhặt lên, ngắm nghía như muốn tìm kiếm cái gì, rồi đút vào túi.

Quan thấy lạ, hỏi:

- Mày là ai? Làm gì vậy?

Quỳnh làm bộ khúm núm đáp:

- Bẩm, con là học trò nghèo, lâu nay thường nghe người ta nói "Miệng nhà quan có gang có thép" muốn nhặt lên đem về coi thử có đúng thế không?

Biết mình bị xỏ, lại không biết tên học trò xấc xược này là Quỳnh, quan liền bảo:

- Đã xưng là học trò thì người phải đối ngay câu tục ngữ mà người vừa nói đó đi, hay thì ta thưởng, dở sẽ đánh đòn. Mà nhớ là tục ngữ phải đối bằng tục ngữ, nghe chưa!

Quỳnh giả bộ rụt rè, thưa thưa bẩm bẩm:

- Con sợ mang tiếng xấc xược... Không dám đối.

Tưởng anh chàng học trò đang bí, quan bảo:

- Ta cho người cứ nói, còn đối không được thì nằm xuống để ta đánh đòn.

- Nếu thế thì con xin đối ạ.

- Được. Đối ngay đi, ta nghe thử!

Quỳnh thong thả đọc vế đối:

- "Đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm."

Nghe xong, mặt quan xám lại như tro bếp. Câu đối lại đúng là câu tục ngữ, không thể bắt bẻ vào đâu được.

Biết ngồi lâu không tiện, quan giục lính hầu ra đi, quên bẵng lời hứa thưởng tiền cho anh học trò nghèo.

Chẳng bao lâu, chuyện ấy lan ra khắp vùng, tên quan kia thì xấu hổ vì làm miệng cười cho thiên hạ còn tiếng tăm của Quỳnh thì nổi như cồn.

Món Ngon Nhà Trạng

Có thời gian, chúa Trịnh bỗng mắc một căn bệnh không chữa khỏi, đó là căn bệnh ăn không ngon. Tất nhiên chúa quanh năm sơn hào hải vị, món ngon vật lạ trong thiên hạ đều ê hề thứa mứa, vậy mà chúa vẫn không cảm thấy ngon miệng được. Một hôm, trạng Quỳnh vào hầu, chúa than thở;

- Độ rày miệng ta đắng lạ. Dù là của ngon vật lạ cũng thấy dửng dưng. Trạng có biết món nào ngon không thì nói cho ta hay?

Trạng nghe nói liền cười mỉm mà tâu ngay:

- Tâu chúa, xin hỏi chúa đã từng dùng món mầm đá chưa?

- Mầm đá? Chà, món đó thì chưa cả nghe đến. Chắc là vị ngon lắm?

- Muôn tâu, quả là có vậy. Thần vẫn dùng khi chán ăn. Ngon lắm ạ!

Chúa nghe vậy hớn hở:

- Vậy mà ta không biết sớm. Khanh về lo chuẩn bị đi. Ngay chiều nay ta sẽ thử món ăn này cho biết!

Mới xế chiều chúa ngự đến nhà Quỳnh thật. Lúc ấy Quỳnh mới sai người lập tức đi lấy mầm đá về ninh cho chúa dùng. Nồi được nấu ngay trước mặt chúa. Quỳnh bảo đốt lửa thật to cho nước sôi lên sùng sục và ngồi hầu chuyện chúa hết giờ này sang giờ khác. Gần tối, nồi hầm đá vẫn sôi chưa cạn, chúa chỉ uống nước trà suông, sót ruột mới hỏi:

- Mầm đá hầm đã lâu chắc là sắp chín?

Quỳnh thưa ngay:

- Muôn tâu, xin chúa đợi thêm lát nữa, chưa được ạ!

Chúa chờ nhưng đã đói lắm rồi, chốc chốc lại hỏi thăm. Trạng tâu:

- Món này chưa hầm chín thì lâu tiêu lắm. Xin chúa gắng chờ thêm!

Gần đến khuya, khi chúa đã chờ đợi đến đói rát ruột, Quỳnh mới thưa rằng:

- Thần e mầm đá vẫn chưa chín tới. Vậy xin chúa dùng tạm vài món dã vị của nhà thần, khi mầm đá chín, thần sẽ dâng lên ngay!

Nói xong sai người nhà bưng lên một mâm cơm trắng nóng với một lọ tương lớn, thật thơm. Chúa đang đói, ăn một hơi mấy chén thật ngon miệng. Trông thấy cái lọ, Quỳnh có viết hai chữ "Đại Phong" dán trên nắp, chúa thắc mắc.

- Đại Phong là món ngon gì mà ta chưa từng dùng?

- Muôn tâu, đó chỉ là món ăn thường ngày của một người dân thôi ạ!

- Nhưng đó là món gì?

- Bẩm là... Món tương ạ!

- À, tương, nhưng sao khanh lại đề là "Đại Phong"?

- Bẩm "đại" là lớn, "Phong" là gió, tức là gió lớn. Gió lớn thì đổ chùa, đổ chùa thì tượng lo, mà tượng lo tức là... Lọ tương ạ!

Chúa nghe Quỳnh giảng vòng vo vay cười vui vẻ rồi nói:

- Tương thì ta có ăn nhưng.... Lâu rồi. Mà vì lâu nên quên cả vị, không ngờ ăn lại thấy ngon miệng quá! Quỳnh tâu:

- Chúa nói quả không sai. Nhưng chúa ngon miệng là do chúa đã đói bụng. Khi lúc nào cũng no thì của dù ngon mấy cũng chán ăn ạ!

Chúa Trịnh hiểu ra, cười bảo:

- Vậy ta hiểu món mầm đá của khanh rồi. Chờ cho đói thì ăn ngon chớ đá thì hầm bao giờ cho chín được.

Mẹo trẩy kinh

Mùa đông năm ấy, Quỳnh có việc đi gặp người bà con đang sinh sống ở Thăng Long. Đường về kinh thì xa, cuốc bộ phải mất cả tuần, mà Quỳnh vẻn vẹn có một quan tiền giắt lưng. Mới ngày thứ ba túi đã hết nhẵn tiền, chiều xuống, trời âm u, lại điểm mưa lâm thâm, gió bấc. Đến đầu làng kia, bụng đói cồn cào, vừa may gặp một đứa bé mục đồng dắt trâu về xóm, Quỳnh mừng rỡ hỏi thăm lối vào nhà ấp trưởng.

Ấp trưởng làng này vừa giàu sụ, vừa nổi tiếng quỷ quyệt. Qua vài lời chuyện trò với người lỡ độ đường, hắn đoán thầm khách không phải là hạng tầm thường, bèn vồn vã mời nghỉ lại và sai giai nhân làm mâm cơm thịnh soạn để thết đãi. Nhưng mấy ngày liền, khách cứ đi đi lại lại, rồi đến bữa nằm dài đợi cơm rượu hỏi đến chức danh công vụ thì cứ ậm ậm ờ ờ. Chủ nhà sốt ruột, sinh nghi. Như thường lệ, tối hôm ấy ăn xong một lúc, Quỳnh cáo lui về phòng riêng giáp với phòng ngủ của chủ nhân. Được một chập, Quỳnh tắt đèn lên giường nằm. Biết ở phòng bên có người vẫn thức rình mò mọi hành vi của mình, lát sau Quỳnh vờ thức dậy rón rén thắp đèn, sau đó cẩn thận lần dưới vạt áo, lấy ra một bọc nho nhỏ bên trong có ba gói vuông, bản bằng nhau. Khách cầm bút long chấm chấm, mút mút đầu ngòi, hí hoái viết vào từng gói như để đánh dấu cho khỏi nhầm lẫn (thực ra chẳng viết gì cả), miệng lẩm nhẩm đọc, cố ý cho kẻ đang rình bên kia khe vách vừa đủ lắng nghe: Độc dược của nhà chúa... Độc dược của bà chính cung... Độc dược của thái tử. Làm như vậy, đoạn Quỳnh đem gói chung thành một bọc như cũ, giắt vào lưng áo. Xong rồi tắt đèn, lên giường nằm trở lại. Khi phòng bên này bắt đầu tiếng ngáy đều đều, thì phòng bên vọng sang tiếng động khe khẽ. Tên ấp trưởng bí mật mở chốt cửa ra ngoài, lẻn đến chuồng ngựa... Hộc tốc lao đi trong đêm.

Sáng hôm sau, mới hửng sáng, quan quân từ đâu ập tới nhà ấp trưởng đông nghịt, gươm giáo tua tủa vây kín mọi phía. Quỳnh mở mắt, chưa kịp búi tóc đã bị trói nghiền lại, quẵng lên một chiếc xe có bốn ngựa kéo, trẩy về kinh.

Trước phủ chúa, Quỳnh bị điệu ra xét xử với nhân chứng và vật chứng rành rành. Chúa đích thân tự tay mở tang vật. Té ra chẳng có gì ghê gớm! Chiếc bọc được gói kỹ lưỡng trong mấy lần mo cau, phủ ngoài bằng một vuông vải điều là chiếc bọc chứa ở bên trong mấy gói cơm khô nhỏ, Chúa lấy mũi hài đá té nắm cơm về phía Quỳnh, hất hàm tỏ vẻ khinh miệt:

- Ta tưởng thế nào... Tài giỏi như Trạng mà cũng ăn cả cái vứt đi này à?

- Khải chúa.

- Quỳnh đáp lại không chút ngần ngừ, nhà chúa thừa thãi mới gọi đó là của vứt đi. Còn thần dân bên dưới đâu dám phung phí một hạt, họ gọi cơm gạo là ngọc thực.

Nói rồi, Quỳnh trân trọng nhặt lấy mấy hạt cơm khô bỏ vào mồm nhai rào rạo. Chúa biết mình lở lời, đỏ bừng mặt, lại thêm một phen mắc lỡm, tức lộn ruột. Không có cớ gì buộc tội Quỳnh, chúa truyền nọc tên ấp trưởng ra, bắt lính đánh ba chục trượng vì tội nói láo và báo sai.

Trước cảnh tượng ấy, Trạng chỉ biết mỉm cười. Mặc dầu đã được tha bổng, trước khi bái biệt bề trên, Quỳnh vẫn không quên giễu chúa bằng những câu khéo:

- Xin chúa rộng lượng tha thứ cho ấp trưởng. Và cho thần được cảm ơn hắn cùng quan quân triều đình.

Mừng chúa thắng trận

Chúa Trịnh sau khi tuần du một vùng biên ải miền tây, trở về kinh sư huênh hoang khoe rằng "Quân nó" vừa thua to, và bị quân nhà chúa nửa đêm bất thần phá lũy đánh tốc vào... Phụ họa với nhà chúa, bọn quan nội và lũ nịnh thần đua nhau dâng biểu chúc tụng. Nhân cơ hội này, Quỳnh cũng làm một bài thơ gửi mừng chúa. Thơ rằng:

Nửa đêm giờ tí trống canh ba

Thoắt tiến lên thành phá lũy ra

Một tướng thẳng vào trong cửa hiểm

Hai quân đứng núp chực bên hà

Quân ta đổ lộn cùng quân nó

Nước nó giao hoà với nước ta

Đánh đoạn rút về lau khí giới

Tìm nơi vũ khố để can qua.

Nghe nói mới đọc qua lần đầu, chúa đắc ý. Nhưng xem kỹ lại, ngẫm nghĩ, nhà chúa bỗng nhăn mặt nói với thị thần: "Trạng lại dùng "Cái ấy" để lõm ta rồi, thế mà tụi bây không đánh hơi thấy à? ".


Ngọc người

Chúa Trịnh có một viên ngọc quí, suốt ngày nâng niu, giữ gìn rất cẩn thận. Nhân một buổi dạ tiệc, chúa đem ngọc ra khoe. Các quan nhiều kẻ có thói hay nịnh bợ, đua nhau tán tụng. Kẻ thì nói: "Ngọc của chúa quý hơn ngọc của rắn, mang vào người, có thể nghe được tiếng chim kêu, tiếng sâu, kiến!". Kẻ khác lại nói: "Ngọc của chúa quý hơn ngọc rết, giữ ngọc rết trong người dao chém không đứt, tên bắn không trúng, xông pha trận mạc như đi vào chỗ không người!". Kẻ khác lại ngọt ngào: "Ngọc của chúa quý hơn ngọc ba tiêu, lấy trong cây chuối, ba nghìn năm mới có một lần, giữ được ngọc này thì thoát tục, tới được cõi bồng lai, lại có thể phân biệt được đâu là yêu quái, đâu là người trần tục!". Nhiều kẻ thi nhau tán tụng, nào đó là ngọc kỵ thuỷ, ngọc kỵ hỏa v.v...
Thấy Quỳnh vẫn đứng yên không nói năng gì, chúa bèn hỏi. Quỳnh chắp tay cung kính thưa:
- Bẩm chúa, trong cõi trời đất này, không có gì quý bằng người. Ngọc rắn, ngọc rết có quí, những sau dám sánh bằng ngọc người? Ngọc người thì chỉ nằm trong óc người. Nhưng chỉ kẻ nào ngu ngốc mới có ngọc, còn khôn ngoan, thông minh thì không thể có được!

Chúa hỏi:
- Vì sao người ngu ngốc mới có ngọc?

Quỳnh đáp: - Chúa chả nghe người ta bảo người khôn thì anh hoa phát tiết ra ngoài đó ư? Còn kẻ ngu ngốc vì bao nhiêu cái khôn không xuất ra được nên hun đúc trong óc rồi lâu ngày dẫn thành ngọc!

Chúa nghe vậy thì tin, thích lắm bảo rằng:
- Ngươi nói nghe có lý. Vậy thì ngươi mau tìm cho ta một viên ngọc người vậy! Quỳnh lại tâu:
- Kẻ hạ thần tuy là người trần mắt tục nhưng vẫn thấy hào quang đang tỏa rạng quanh mình chúa.

Đám bá quan văn võ ưa xu nịnh nghe thế được dịp dập đầu thanh hô vang:
- Muôn tâu, hào quang tỏa rạng quanh mình chúa thượng. Hào quang tỏa rạng quanh mình chúa thượng! Chúng thần nhìn rõ lắm!

Nghe lời nịnh ấy, chúa vô cùng thích chí, mặt mày rạng rỡ. Quỳnh tiếp ngay:
- Tâu chúa thượng, đó chính là hào quang của viên ngọc. Nếu chúa muốn thấy nó, xin chúa hãy truyền cho ngự y tìm cách mổ óc ra sẽ được ngọc ngay! Chúa chợt hiểu ra mình bị chơi xỏ, tức uất người ngưng chỉ đành câm lặng trong khi bọn quan nịnh thì chả hiểu sao chúa vừa vui vẻ đã quay sang bực bội. 


Phơi sách, phơi bụng

Gần nhà Quỳnh có một lão trọc phú. Lão này đã dốt lại thích học làm sang, thỉnh thoảng mò đến nhà Trạng, đòi mượn sách. Tất nhiên lão có mượn được sách về thì cũng biết gì đâu đọc. Quỳnh bực lắm, một bận, thấy lão lấp ló đầu cổng, Quỳnh vội vác ngay chiếc chõng tre ra sân, cởi áo nằm phơi bụng. Lão trọc phú bước vào, thấy lạ, hỏi:
- Thầy làm gì thế?

Quỳnh đáp:
- À! Có gì đâu! Hôm nay được cái nắng tôi đem phơi sách cho khỏi khô mốc
- Sách ở đâu?

Quỳnh chỉ vào bụng:
- Sách chứa đầy trong này!

Biết mình bị đuổi khéo, trọc phú lủi thủi ra về.

Bận khác, lão cho người mời Quỳnh đến nhà. Để rửa mối nhục cũ, lão bắt chước, đánh trần, nằm giữa sân đợi khách...

Quỳnh vừa bước vào, lão cất giọng con vẹt, bắt chước...
- Hôm nay được cái nắng tôi nằm phơi sách cho khỏi mốc

Bất ngờ Quỳnh cười toáng, lấy tay vỗ bình bịch vào cái bụng phệ mà nói;
- Ruột nhà ông toàn chứa những của ngon chưa tiêu hết phải đem phơi, chứ làm cóc gì có sách mà phơi!

Lão trố mắt kinh ngạc:
- Sao thầy biết?

Quỳnh lại cười toáng lên, lấy tay lắc lắc cái bụng béo ụ ị của lão:

- Ông nghe rõ chứ? Bụng ông nó đang kêu "Ong óc" đây này! Tiếng cơm, tiếng gà, tiếng cá, lợn... Chứ có phải tiếng chữ, tiếng sách đâu. Thôi ngồi dậy, mặc áo vào nhà đi.

Lão trọc phú lủi thủi làm theo lời Quỳnh, và ngồi tiếp khách một cách miễn cưỡng. 


Quay lại Trang Chủ

No comments:

Post a Comment