Saturday, February 11, 2012

Nghề Làm “Thầy”

Tuệ Chương


“Thầy” nói ở đây là “thầy tớ”. Tôi không hiểu tại sao mẹ tôi không gọi là “đầy tớ”. Có lẽ vì chữ đầy tớ nghe có vẻ nặng nề chăng? Thật tình tôi không có ý mai mỉa gì trong việc gọi như trên. Có lẽ vì trong trí óc của tôi, khi còn thơ ấu, chuyện mấy chị làm thầy tớ trong nhà tôi để lại cho tôi những ấn tượng buồn bã.

Sau nầy, khi tôi lớn, người trong nhà gọi họ là chị ở. Trong Nam gọi là ở đợ.

Nhà tôi không khá giả gì nhưng vì mẹ tôi là chủ nhà hộ sinh nên cần người giúp đỡ. Việc nấu ăn đi chợ hằng ngày trong nhà có bà chị cả tôi lo, việc gánh nước thì chị ở lo. Việc ấy nặng nhọc.

Một chị ở tôi còn nhớ là chị người làng Gia Đẵng. Gia Đẵng là một làng biển sát biển Đông, gần phá Tam Giang. Gia Đẵng được coi là làng nghèo nhứt Quảng Trị, - tỉnh nghèo nhứt Việt Nam? - nằm trên bờ biển cát trắng, không có ruộng nương gì nhiều, lại còn bị cát trắng xâm thực. Toàn bộ dân làng làm nghề biển, tức là đánh cá biển. Vào mùa hè, mùa cá, đi biển được thì đỡ đôi chút. Tới mùa biển động là dân làng thiếu ăn, đói lắm, bèn tìm kiếm nhà giàu hay lên thành phố xin ở đợ, vừa có cơm ăn, vừa có tiền giúp đỡ gia đình, tuy chẳng bao nhiêu vì giá ở đợ ngày đó thấp lắm. Họ đi ở đợ theo mùa, người thuê theo mùa. Khi tới mùa cá, - với những làng nghề nông thì theo mùa làm ruộng - họ về làm mùa.

Ông đại tướng Đoàn Khuê của Việt Cộng cũng người làng Gia Đẵng nhưng nhà ông giàu vì cha mẹ ông là chủ ghe đánh cá, cho thuê dụng cụ làm cá và nghề “xanh xít đít đui”: Nghề cho vay. Vay 5 (cinq - xanh) trả trả thành 6 (Six – xít); vay 10 (Dix – đít) trả thành 12 (douze – đui). Trước 1945 anh em ông được đi học ở trường Tiểu Học Quảng Trị (Ecole Primaire De Quangtri); lên trung học thì vô Huế, ở xóm Chợ Xép - (“Xóm Của Tui” vì khi đi học tôi ở đây 3 năm. Những người lớn tuổi trong xóm còn có người nhắc đến tên ông ta).

Sau chiến trận 1972, Thủy quân Lục Chiến VNCH trấn giữ làng nầy, coi như địa đầu tiền tuyến cho tới 1975 thì “tan hàng”.

Chị ở nói trên rất quê mùa. Khi máy bay Mỹ tới bắn phá quân Nhựt, trong khi ai cũng lo xuống hầm thì chị đi đóng các cửa lại vì “Sợ đạn vô nhà”. Chỉ mấy năm sau thôi, khi chiến tranh Pháp Việt bùng nổ, tôi nghĩ chị ở nhà tôi có rất nhiều kinh nghiệm chiến tranh và biết đâu chị cũng là một … du kích.

Một hôm chị trốn mẹ tôi đi chơi, tới khuya mới về. Mẹ tôi lại nghe nói người ta gặp chi đi với mấy ông… Bắc Kỳ. Thời Nhật, gặp nạn đói năm Ất Dậu, người Bắc, hầu hết là đàn ông lần mò vào Nam kiếm ăn. Bấy giờ cầu ga Quảng Trị - Cầu chung xe lửa và xe hơi - bị máy bay Mỹ đánh sập. Nhật đang cần nhân công giúp họ sửa cầu. Những người Bắc nầy ở lại thành phố tôi vì kiếm được việc sửa cầu. Với cái thành phố nhỏ như thành phố quê tôi hồi đó, nguời Bắc cũng là… người lạ nên mẹ tôi rầy và đánh chị, không cho đi chơi đêm nữa. Hồi đó người ta có đánh người ở cũng là việc thường vì cái thân phận người ở nó như thế. Có lẽ người chủ cũng có trách nhiệm với người ở, la rầy đánh đập, trong vài trường hợp, cũng chỉ là một cách giáo dục như cha mẹ dạy con cái vậy. Vã lại, mẹ tôi cũng có kinh nghiệm với chị Nuôi, người ở trước đó.

Chị Nuôi người huyện Gio Linh, do một người em gái của mẹ tôi làm dâu ở làng An-Mỹ, huyện ấy giới thiệu, dẫn vào trao cho mẹ tôi.

Chị Nuôi đẹp. Tôi không nhớ đẹp như thế nào, chỉ biết là đẹp. Thầy trợ (Tôi xin dấu tên) là bạn đồng nghiệp với cha tôi cặp bồ với chị. Cứ thứ bảy hay chủ nhật gì đó, trường học đóng cửa thì hai người hẹn nhau trong lớp của thầy trợ. Hai người ghép hai cái băng học trò, nằm với nhau. Ông anh cả tôi, hồi ấy khoảng trên 10 tuổi, rắn mắt, có khi chờ hai người chia tay nhau thì vào lớp. “Hai cái băng còn nóng hổi.” Anh tôi kể với chị tôi vậy. Anh không dám nói với mẹ hay cha tôi, sợ bị rầy. Bác Hiển, cai trường không dám có ý kiến vì nể tình thầy. Mẹ tôi không dám cấm chị Nuôi đi gặp thầy cũng vì nể tình như vậy. Cuối cùng chị ấy mang bầu.

Hồi ấy, một người con gái, dù là đi ở đợ, không chồng mà có bầu là một biến cố lớn lắm, xấu hổ lắm. Cho tới khi tôi khôn lớn, tôi vẫn còn thấy vài nơi còn giữ tục dị đoan. Không cho người chữa hoang ở lại trong nhà. “Bốn mắt dòm nhà! Xui lắm!” Có thể chị Nuôi sợ mẹ tôi đuổi đi khi biết chị mang bầu. Còn mang cái bầu chữa hoang về làng thì còn cái xấu hổ nào bằng, chưa kể làng còn bắt vạ. Ông thầy trợ giáo thì đã có vợ. Vã lại, không lý thầy giáo lại lấy “con ở” nhà bạn làm vợ. Thế rồi một hôm mẹ tôi phát hiện chị bất tỉnh nằm ở nhà bếp, mình mẩy tím ngắt. Mẹ tôi kêu xe tay chở qua “nhà thương” gần đó thì không còn kịp. Nửa đêm hôm ấy, chị Nuôi qua đời. Bấy giờ chị cả tôi mới tiết lộ là chị Nuôi chờ khi trời hơi tối, ra cây sầu đông trước nhà, cạy vỏ cây đem về sắc uống. Chị ấy muốn phá thai. Kết quả là chị ấy bỏ mạng. Mẹ tôi khóc, than thở rằng ăn nói làm sao với em gái! Chị cả tôi khóc vì thương chị Nuôi lắm. Tôi cũng khóc. Tôi khóc vì ơn nghĩa riêng của chị với tôi. Lúc ấy tôi khoảng năm, sáu tuổi. Đêm nằm ngủ, tôi mơ thấy tôi đi tới một cái gốc cây và đái một trận thật đã. Được một lúc, tôi tỉnh giấc vì ướt quần. Gần sáng, chờ chị Nuôi thức dậy nấu cháo trắng cho anh em chúng tôi ăn đi học thì dậy nhờ chị kiếm cái quần khác thay. Lần đầu, chị hỏi to: “Răng! Đái mế phải khôông?” Vậy là cha tôi nghe, thức dậy, tôi bị rầy và bị đánh đòn vì cái tội đái dầm. Những lần sau, khi thấy tôi dậy đi tìm chị, chị lặng lẽ đi lấy quần cho tôi thay. Cha tôi không hay biết gì cả. Tôi khỏi bị rầy, bị đánh. Tôi không cảm ơn chị làm sao được và sao tôi lại không khóc khi nghe tin chị chết!?

Thế rồi lớn lên, tôi cũng quen với cái nghề ở đợ. Đó là hiện tượng bình thường của một xã hội nghèo đói, bất công. Ngay khi tôi đã đi dạy, có vợ con, trong nhà tôi vẫn thường có hai ba con ở. Đứa lớn nấu ăn, đứa nhỏ giữ em. Trong những năm chiến tranh, ở miền quê hai phe đánh nhau dữ dội, người ta cho con lên ở đợ thành phố, vừa có cái ăn, không đói kém như ở thôn quê, lại tránh được súng đạn.

Vã lại, mấy năm tôi học cấp ba, đi làm précepteur cho chủ, tuy rằng ngày làm học trò, đêm làm thầy giáo, ăn cơm chủ mà lo dạy cho con chủ thì có khác thi thân phận người làm, người ở.

Lại thêm “giải phóng”!

Theo anh Dương Tiến Đông kể lại, chị ở nhà anh là một chị Quảng Nam - Anh ta cũng gốc Quảng Nam – Khi bộ đội vào Saigon thì chị ở nhà anh ngày ngày ăn cơm xong đi họp hành “cách mạng”. Nghe họp “cách mạng” thì mẹ anh làm thinh! Vợ anh sợ, không dám nói. Bấy giờ mẹ và vợ anh lo nấu cơm cho chị ở đi họp “cách mạng”, chẳng dám có một lời than!

Đông kể: “Về tới nhà, đôi khi chị gọi điện thoại cho các “đồng chí”. Một tay cầm điện thoại, tay kia đưa ngón tay thọc vào cái lổ tròn số điện thoại - loại cũ, số nằm vòng tròn - chị ta ấn ngọn tay xuống, quay một cái thật mạnh, làm như nặng nhọc lắm, mặt mày hết sức quan trọng! Rồi chị chổng đít, chồm vào điện thoại, cố nói to cho trong nhà nghe. Nghe rồi ai cũng sợ vì biết chị đang “Công tác cách mạng”.

Đồng thời trên TV, trên đài phát thanh, khi các vị cách mạng nói với nhau thì trước hết phải đúng giai cấp, đúng lập trường. Để biết cái “đúng” đó thì người “công tác cách mạng” hỏi nhau bằng câu nói của “Chị Út Tịch”: “Có đi ở đợ không?” “Ở đợ” trở thành một biểu tượng, một cái “mốt”, một tiêu chuẩn hàng đầu của giai cấp thống trị thời đại mới!

Thế rồi tôi “Đóng tiền đi ở tù” như người ta mai mỉa. Khi về thì giai cấp ở đợ không còn. Cũng may, khi ấy các con tôi cũng đã lớn. Chúng tự lo cho chúng được, không cần người làm nữa. Vã lại, có cần cũng không nuôi được người làm. Đổi đời rồi. Có thể tôi đi ở đợ cho người ở đợ của tôi ngày trước!

Mấy bữa nay, quân Do Thái đánh vào Libăng. Qua các đài phát thanh, nhứt là BBC, tôi biết có khoảng 200 người Việt Nam đang ở đợ bên nước đó. Cũng nhờ đài BBC, tôi nghe nhiều người Việt Nam than vãn, nhiều người khóc vì mắc kẹt bên đó. Chính quyền Cộng Sản xuất khẩu họ theo một chương trình nghe hay lắm: “HợpTác Lao Động”. Hợp tác lao động có nghĩa là hai hay nhiều người cùng lao động chung với nhau, không ai là người làm, không ai là chủ, chỉ có thủ trưởng. Ở Libăng cũng như ở I-Rắc trước đây và nhiều nơi khác nữa trên thế giới, có nhiều người Việt Nam đi “Hợp Tác Lao Động”. “Hợp Tác Lao Động” bây giờ nghe cũng lạ tai vì một bên là chủ, một bên là “Người giúp việc”, “là người ở”, là “người làm”, nói trắng ra một bên là chủ, một bên là ở đợ. Dĩ nhiên, người Việt Nam chúng ta còn lâu lắm mới làm chủ, còn bây giờ là ở đợ. Hai trăm người ở Libăng hiện nay, có lẽ hầu hết làm nghề ở đợ.

Súng đạn tới, người ta sợ, muốn về. Có người chưa muốn về vì chủ chưa trả tiền công, có người bị chủ giữ hết toàn bộ giấy tờ tùy thân. Phần đông họ là đàn bà con gái.

Con cháu hai bà Trưng, “hai” bà Triệu sao bây giờ khổ thế? Có người bị bán qua Đài Loan, Đai Hàn, Phnom Pênh để vào ở lầu xanh. Bên Việt Nam chỉ có nhà tranh vách đất! Có nhiều người qua các nước khác để “phát huy truyền thống ở đợ cách mạng”. Xin hỏi mấy ông ngồi ở “Phủ Chủ tịch” tại Hà Lội một điều: Người đi ở đợ nhiều như thế, có phải đó là sự thành công của “Cách Mạng Xã Hội Chủ Nghĩa” hay không?

(một câu hỏi như những câu hỏi của một công nhân lao động đang đứng trên lề đường nhìn lên những cao ốc nơi mình đang làm "thầy")



Trở lại Trang Trước

Cập nhập lần cuối cùng lúc 8:30h ngày 31 tháng 1 2012
Phạm Công Hiển

No comments:

Post a Comment